Công Phượng đã có giải đấu thành công ở Asian Cup 2019 cùng đội tuyển Việt Nam. Tiền đạo mang áo số 10 đảm đương vai trò tiền đạo cắm, ghi 2 trong 4 bàn thắng cho đoàn quân của ông Park Hang-seo. Công Phượng thời ông Park Hang-seo đã không còn cắm đầu đi bóng nữa, mà mục tiêu luôn là phía khung thành.
Khát khao trỗi dậy
Tại buổi họp báo trước trận đấu gặp Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup 2019, Công Phượng tự tin khẳng định mình muốn trở lại đất nước mặt trời mọc thi đấu. Anh cũng mạnh dạn bày tỏ mong muốn ra nước ngoài chơi bóng. Qua ánh mắt và giọng nói đó chứa đựng một sự khát khao trỗi dậy mạnh mẽ của Phượng.
"Tôi rất muốn quay trở lại Nhật Bản thi đấu. Mong muốn của tôi là năm tới được thi đấu ở đó nhưng được hay không, thì đó là vấn đề không phải do tôi quyết định", Công Phượng chia sẻ trước giới truyền thông của Việt Nam lẫn Nhật Bản.
Thông điệp được phát đi một cách hết sức rõ ràng, bản lĩnh.
Trước đó, Công Phượng và Xuân Trường hay Tuấn Anh đều có những chia sẻ chung về khả năng tiếp tục ra nước ngoài thi đấu. Phải đến khi gặp thầy Park Hang-seo, Công Phượng mới tự tin bày tỏ mong ước của mình. Thời gian làm việc cùng chiến lược gia người Hàn Quốc đã giúp anh thay đổi rất nhiều.
Năm 2016, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cho CLB Mito Hollyhock mượn Công Phượng một năm ở giải J.League 2 của Nhật Bản. Thương vụ táo bạo đó không thành công khi cầu thủ sinh năm 1995 bất ngờ gãy xương đòn ở vòng chung kết U23 châu Á tại Qatar. Nó ảnh hưởng nhiều đến quãng thời gian anh ở Nhật Bản.
Khi đó, Công Phượng chủ yếu là tập hồi phục chứ không thể thi đấu cho Mito Hollyhock. Hơn nửa mùa giải trôi qua, tiền đạo 25 tuổi mới được sử dụng, nhưng anh cũng không đóng góp gì nhiều cho đội bóng hạng 2 của Nhật Bản. Kết quả một năm du học, Công Phượng chỉ ra sân 5 lần, trong đó có 2 lần đá chính.
Chấn thương khiến anh không có được phong độ và trở về lặng lẽ. Hình ảnh mà người hâm mộ chú ý nhất chính là việc Công Phượng cùng đồng đội thường đi phát tờ rơi xem bóng đá ở ga tàu điện ngầm, đó là một hoạt động xã hội của các CLB ở J.League. Vì lẽ đó mà trong thâm tâm anh rất muốn được trở lại Nhật Bản.
Cơ hội xuất ngoại nằm phía trước
Chưa để lại ấn tượng nào ở Mito Hollyhock, nhưng đội bóng ở J League 2 luôn dang rộng vòng tay đón Công Phượng trở lại Nhật Bản. Chủ tịch Kunio Numata không dưới 3 lần đặt vấn đề này với bầu Đức, những HAGL vẫn chưa gật đầu đồng ý, đặc biệt là sau khi Công Phượng không được thi đấu nhiều.
Một năm sau khi Công Phượng về chơi ở V.League 2017, HAGL và Mito Hollyhock ký kết hợp tác toàn diện vào tháng 4/2017. Trong đó, hai bên sẽ có những chương trình tập huấn, thi đấu giao hữu và trao đổi cầu thủ cũng như kinh nghiệm quản lý bóng đá. Mối lương duyên đó vẫn dựa vào sợi dây liên kết Công Phượng.
Lúc này, Công Phượng đang là nhân tố quan trọng của HAGL ở mùa giải 2018 và sắp tới là 2019. Trao đổi với một lãnh đạo HAGL, vị này cho biết:
"Hiện tại, chưa phải lúc để nói về chuyện này, đây là giai đoạn đầu mùa, thị trường chuyển nhượng cũng đóng cửa. Quan trọng hơn hết là mọi quyết định sẽ do Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức tính toán. Với lại cũng phải lựa chọn nơi nào phù hợp cho cậu ấy".
Cũng theo vị này, HAGL không thiếu những lời đề nghị mượn Công Phượng. Bầu Đức cũng nhiều lần phát ngôn rằng có nhiều CLB sẵn sàng đón tiền đạo của HAGL đến thi đấu nhưng vì nhiều lý do mà các phía vẫn chưa thể ngồi vào bàn đàm phán. Cơ hội là có nhưng cũng còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc này.
Sau AFF Cup 2018, nhiều cầu thủ Myanmar, Lào, thậm chí là Campuchia hay gần đây là thủ môn Đặng Văn Lâm đều tìm đến Thái League thi đấu. Ví dụ để thấy nhu cầu ra nước ngoài thi đấu của các nước có nền bóng đá kém hơn là bước đi sáng sủa để phát triển bóng đá nước nhà. Bản thân tuyển Nhật Bản dự Asian Cup 2019 đã có đến 13 cầu thủ trụ cột đang chơi bóng ở châu Âu.