Phần nổi của tảng băng chìm
Khi vụ xe lái xe container sử dụng ma túy, đâm 21 xe máy đang chờ đèn đỏ tại huyện Bến Lức, Long An khiến nhiều người tử vong chưa kịp lắng xuống, thì ngày 21/1 vừa qua, tại Km76+400 trên QL 5, đoạn qua xã Kim Lương (Kim Thành, Hải Dương) một vụ TNGT với lý do tương tự cũng đã xảy ra khiến 8 người tử vong. Ngay sau khi các vụ việc xảy ra, Cục CSGT đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý lái xe sử dụng ma túy trên tuyến QL1A. Trong đó, đối tượng thuộc diện kiểm soát là ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách; ô tô vận tải hàng hóa, xe kéo rơ-moóc, container có khối lượng chuyên chở từ 5 tấn trở lên; xe chở xăng dầu, hóa chất, hàng nguy hiểm.
Chỉ sau một tuần triển khai, lực lượng CSGT từ T.Ư đến địa phương đã phát hiện và xử lý hàng chục trường hợp lái xe sử dụng ma túy. Đơn cử, Cục CSGT (Bộ Công an) xử lý gần chục trường hợp; Lai Châu xử lý 13 trường hợp và TP Hồ Chí Minh là 7 trường hợp sau 2 ngày ra quân… Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, những con số trên chỉ là môt phần nổi nhỏ của tảng băng chìm. Số lượng lái xe sử dụng ma túy, đặc biệt là lái xe container, xe đường trường… còn lớn hơn rất nhiều. Bởi, theo khảo sát của cơ quan chức năng từ cách đây… 6 — 7 năm đã có khoảng 60% số lái xe container, xe tải nặng dương tính với ma túy. Và đến nay, con số này chắc chắn đã cao hơn rất nhiều, khi nhiều lái xe đến với ma túy như một loại thần dược để ôm vô lăng thâu đêm, suốt sáng, từ ngày này sang ngày khác.
Phải xử lý nghiêm cả chủ xe
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một Đội CSGT, Phòng CSGT trên địa bàn TP cho biết, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX từ 22 — 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 16 — 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX). Tuy nhiên, đây là mức xử phạt chưa đủ sức răn đe so với những hậu quả của hành vi này gây ra.
Trở lại với kế hoạch xử lý lái xe sử dụng ma túy, một số chuyên gia lo lắng, vấn nạn này đã tồn tại từ lâu nhưng chỉ đến khi xảy ra hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng xuất phát từ lý do này, lực lượng chức năng mới thực sự để ý đến nó là quá muộn. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, trước đây cũng đã xảy ra tình trạng này, khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ, cơ quan chức năng mới vào cuộc và có những đánh giá, thống kê. Nhưng, việc làm thường xuyên để phát hiện lái xe sử dụng ma túy gần như không có.
Tài xế Trần Thành, chuyên chạy đường dài tuyến Bắc — Nam cho biết, những lái xe sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông là mối nguy hiểm cho tính mạng của bao người khác lưu thông trên đường. Vì vậy, cần xử lý thật nghiêm. Theo ông Đặng Thuần Phong, hiện nay, Luật Giao thông đường bộ chỉ cấm người sử dụng quá nồng độ cồn trong khi lái xe, còn người nghiện, người sử dụng ma túy khi lái xe thì chưa điều chỉnh. Trong khi đó, Luật Phòng chống ma túy cũng chưa điều chỉnh vấn đề này. Do vậy, thời gian tới cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung.
Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia nhìn nhận, lái xe là một nghề được xã hội công nhận. Khi đã trở thành một nghề, nó cũng cần những quy định, tiêu chí cụ thể về đạo đức nghề nghiệp. Do đó, để tạo sức răn đe, nếu phát hiện trường hợp dương tính với ma túy, các đơn vị chức năng cần phải tịch thu bằng lái, cấm hành nghề lái xe vĩnh viễn. Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý, trách nhiệm của các đơn vị sử dụng lao động có lái xe vi phạm. Ngoài ra, cần có sự liên thông trong việc quản lý lái xe, tránh tình trạng, đuổi bên này, nhảy sang nơi khác.