Đặng Văn Lâm được nhắc đến không chỉ bởi những thành công anh đã đóng góp cho bóng đá Việt Nam thời gian qua. Mới đây, trên trang Soviet Sport (Nga) có đăng bài phỏng vấn Đặng Văn Lâm gây sốt trên mạng xã hội. Đó là câu chuyện Văn Lâm kể đầy chân thực về hành trình sự nghiệp khó khăn của mình trong những ngày đầu đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội.
Lâm "Tây" đi lên từ thất bại
Trận Hải Phòng gặp Hà Nội tại vòng 9 V.League 2016 là trận đầu tiên Văn Lâm thi đấu và được bắt chính tại sân chơi này khi thủ thành số 1 Đinh Xuân Việt của Hải Phòng bị thuỷ đậu phải nghỉ dài hạn. Đấy cũng là trận đấu có thể coi là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Văn Lâm, mở ra cơ hội được góp mặt lên ĐTQG sau này dưới thời HLV Hữu Thắng.
Thế nhưng, trong ngày đầu tiên ra mắt V.League trong vai trò số 1 ấy, Văn Lâm không thể giúp Hải Phòng có được kết quả tốt trước CLB Hà Nội quá mạnh, lại được thi đấu trên sân nhà. Rất nhiều người nhớ đến trận đấu "nóng" nhất V.League 2016 đó khi Hải Phòng bị đội bóng thủ đô chấm dứt mạch 8 trận bất bại liên tiếp. Mặc dù vậy thì Văn Lâm vẫn để lại ấn tượng bằng việc đã chơi tốt trước một đội bóng có hàng công mạnh nhất V.League thời điểm đó. Văn Lâm có khởi đầu là một thất bại, nhưng anh tiếp tục được tin và những nghị lực của thủ thành Việt kiều này đã được đền đáp bằng trái ngọt sau này.
Đó cũng chỉ là một trong số nhiều khởi đầu thất bại trong sự nghiệp của Đặng Văn Lâm. Anh từng thất bại trong thời gian đầu khởi nghiệp khi không có được cơ hội tại Nga — quê hương của mẹ anh.
Và anh cũng lận đận khi đến Việt Nam — quê hương của cha anh — để tìm việc. Anh từng bị HAGL chấm dứt hợp đồng vì sự không phù hợp hay sự từ chối của cựu HLV ĐT Việt Nam Miura sau lời đề nghị "xin thử việc" ở U.23 Việt Nam.
Thông điệp cho người trẻ
Nhiều người sau khi đọc xong bài phỏng vấn khá sâu sắc của tờ Soviet Sport về những trải lòng của Đặng Văn Lâm đã thắc mắc rằng, vì sao với báo chí Việt Nam, thủ môn Việt kiều này luôn kiệm lời, còn với một tờ báo của Nga, anh lại cởi mở đến như vậy. Thực tế, Văn Lâm từng thừa nhận ngay cả vốn từ vựng tiếng Việt anh cũng đang phải hoàn thiện. Thế nên, có thể hiểu phần nào cho việc Lâm ít mở lòng với quê hương thứ 2 của mình. Anh sinh ra và lớn lên ở Nga…
Trong bài phỏng vấn của Văn Lâm trên Soviet Sport, tôi thích nhất cách Văn Lâm thẳng thắn thừa nhận lý do sang Việt Nam là vì không có nhiều cơ hội ở Nga. Văn Lâm rõ ràng ưu tiên quê hương mẹ anh hơn. Và một trong những lý do là nước Nga có nền bóng đá phát triển hơn chúng ta.
Nhưng Lâm đã thích hợp được với Việt Nam. Những thành công thời gian qua là bằng chứng khẳng định điều này. Nghị lực, những nỗ lực không biết mệt mỏi của Lâm đã giúp anh thành công. Đó là bài học cho những cầu thủ trẻ và thế hệ trẻ không chỉ trong bóng đá mà trong cuộc sống. Bài học về khởi nghiệp của Đặng Văn Lâm là thông điệp cho tất cả những ai đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội với những đam mê của mình.
HLV Park Hang-seo đến Việt Nam khi đã là người hết thời. Ông gặp những yếu tố thuận lợi để rồi mang đến những thành công vang dội. Điều làm nên thành công ấy chính là từ triết lý "không bỏ cuộc" của ông. Sau Asian Cup 2019, nhiều người đã nói đến hợp đồng của ông Park như một cách gây áp lực cho VFF. Nhưng trong bài phỏng vấn tờ Dong-A của Hàn Quốc trước thềm giải đấu Asian Cup 2019 ông Park nói:
"Hợp đồng của tôi ký với VFF đến tận tháng 1.2020 mới hết hạn. Nếu tôi rời đi sau AFF Cup 2018, tôi sẽ rất nhẹ nhõm, và nó chả có gì là sai cả. Nhưng tôi phải giữ lời hứa của mình. Đó không chỉ là lời hứa với VFF. Nó còn là lời hứa với người dân Việt Nam. Đấy không phải là triết lý của tôi, khi tìm cách rời đi với một chút thành tựu, để tìm kiếm nơi nào khác hay ho hơn".
Còn với những người trẻ hôm nay, tấm gương của Đặng Văn Lâm chính là bài học đáng để tham khảo khi khởi nghiệp.