PGS.TS Hoàng Ngọc Quang — ĐH Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội bày tỏ quan ngại trước những cảnh báo về chỉ số ô nhiễm môi trường tại Hà Nội diễn ra trong vòng 1 tuần qua.
Cụ thể, báo cáo của các trạm quan trắc tự động trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, các ngưỡng chỉ số đo được trong tuần từ 20/1 đến 26/1, tại các điểm quan trắc không khí ở Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, chất lượng không khí chủ yếu ở mức kém và xấu, có thời điểm đến mức nguy hại.
Riêng trong ngày 25/1, nhiều điểm đo ở Hà Nội ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) của bụi PM 2.5 có nơi lên tới 400, loại bụi được coi là tử thần trong không khí đã vượt lên ngưỡng nguy hại và người dân chỉ nên ở trong nhà.
PGS Hoàng Ngọc Quang cho rằng, khí thải từ phương tiện giao thông và mật độ công trình xây dựng dày đặc, khói bụi từ khu công nghiệp… chính là những nguyên nhân khiến tình trạng không khí bị ô nhiễm nặng nề.
Đáng lo ngại, với loại bụi PM2.5 là loại khí bụi lơ lửng trong không khí, có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch, rất nguy hại cho sức khỏe con người.
So sánh với Bắc Kinh, vị chuyên gia cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam có thể sẽ phải đối diện với những nguy cơ nặng nề không kém gì Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, Cơ quan Sinh Thái và Môi trường thành phố Bắc Kinh cũng đã có những cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí từ mức trung bình đến mức nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành phố đất nước này.
Mức báo động vàng được ban bố khi chỉ số chất lượng không khí vượt quá 200 mcg hoặc mật độ hạt bụi PM2.5 trên mức 150 mcg trong một mét khối không khí trong 2 ngày liên tiếp. Ở mức độ này, đòi hỏi việc thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp bao gồm việc ngừng các hoạt động xây dựng ngoài trời để giảm lượng bụi trong không khí, hạn chế sử dụng các loại phương tiện giao thông gây ô nhiễm nhiều nhất hoặc ngừng các hoạt động sản xuất trong các ngành công nghiệp gây khói.
"Tôi rất lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, vì những giải pháp đưa ra gần như chưa mang lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường", ông Quang bày tỏ.
Đề cập tới giải pháp, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng — Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, để cải thiện chất lượng không khí Hà Nội cho rằng, cần phải tập trung kiểm soát các nguồn khí thải một cách chặt chẽ, nghiêm minh và thường xuyên để giảm thiểu nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải, nguồn thải từ hoạt động xây dựng mới, sửa chữa và cải tạo đường xá, cống rãnh, nhà cửa, giảm thiểu nguồn thải từ hoạt động vận chuyển đất cát, vật liệu xây dựng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đường phố, vỉa hè, thu gom rác thải 100%, bảo tồn các mặt nước và phát triển cây xanh đô thị.
Chuyển đổi đun nấu bằng than tổ ong và đốt nhiên liệu than trong sản xuất thủ công nghiệp sang đốt khí gas, khí hóa lỏng hay viên nhiên liệu sinh thái.
Bên cạnh đó tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức BVMT, xây dựng nếp sống thân thiện với môi trường của toàn thể cộng đồng dân cư.