Ukraina không thể cung cấp cho Hoa Kỳ chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Oplot duy nhất, mà vào tháng 2 năm ngoái họ đã công bố về bản hợp đồng này. Theo tin trong blog của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (BMPD).
Hai bên đã dự định rằng, Ukraina sẽ cung cấp phương tiện chiến đấu này cho quân đội Mỹ sau khi hoàn thành hợp đồng cung cấp Oplot cho Thái Lan. Vào tháng 3 năm 2018, tập đoàn UkrOboronProm (Công ty Công nghiệp Quốc phòng Ukraina) đã thông báo về việc hoàn tất giao hàng, nhưng, vào tháng 6 đã thấy được rằng, Lầu Năm Góc khó có thể nhận được chiếc xe tăng mà họ đặt mua.
Theo BMPD, khi đó công ty nhà nước Spetstechnoexport, chuyên xuất nhập khẩu vũ khí và công nghệ quân sự, đã ký một thỏa thuận với nhà sản xuất — nhà máy mang tên Malyshev ở Kharkov — về chấm dứt hợp đồng mua bán và chuyển nhượng xe tăng.Hợp đồng chuyển nhượng thiết bị để xuất khẩu sang Hoa Kỳ được hai bên ký kết vào năm 2012, nhưng, sau 7 năm, chi phí sản xuất đã tăng gấp 4 lần.
Thêm vào đó, vào mùa hè năm 2018, một quân nhân Ukraina — Đại úy Roman Bagaev từ Lữ đoàn cơ giới Volyn 14 đã nói công khai về sự thất bại của dự án Oplot tại giải đua xe tăng châu Âu ở Đức.
Tại đó Ukraina đã bị thua thảm hại. Trong cuộc phỏng vấn của ấn phẩm Novarnarnya, một thành viên kíp lái đã chỉ trích tình trạng kỹ thuật của xe tăng T-84 Oplot mới nhất, mà quân đội Ukraina đã nhận được thay cho T-64.
"Chúng tôi đã không thể làm gì. Chúng tôi đã lái bốn chiếc xe tăng. Trong cuộc hành quân tấn công, chỉ có một xe tăng có thể bắn súng. Ba chiếc xe tăng khác gặp trục trặc: hoặc không thể nạp đạn vào súng hoặc các cảm biến không hoạt động. Hệ thống điều khiển cho thấy rằng, quả đạn không nạp được vào súng vì thế cần phải nạp đạn bằng tay", theo ông Bagaev.
Vào tháng 1 năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Stepan Poltorak đã đến thăm các nhà máy quốc phòng ở Kharkov. Các chuyên gia trên blog bmpd đã phân tích bức ảnh các phân xưởng được chụp trong thời gian Bộ trưởng thăm nhà máy. Có cả ảnh mặt buồn Poltorak đứng bên cạnh chiếc xe tăng Oplot dành cho Mỹ vẫn còn chưa hoàn thành. Xét theo tình hình bên trong các phân xưởng, hiện nay các nhà máy của Kharkov chỉ sửa chữa các xe tăng đang phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Ukraina, cũng như khôi phục các thiết bị đã bị xóa sổ.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Vladimir Kozin, giáo sư Học viện Khoa học Quân sự Liên bang Nga, chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị-Quân sự tại MGIMO, bình luận về tình huống này:
"Việc Ukraina tẽn tò khi muốn hợp tác kỹ thuật quân sự với Mỹ không phải là một điều bất ngờ. Như thường nói, gieo giống nào sẽ gặt hái quả đó. Họ đã phá hủy ngành công nghiệp quân sự, phá hủy các nhà máy quốc phòng. Nỗi nhục nhã trước cả thế giới. Nhân tiện xin nói luôn, những tình huống tương tự đã xảy ra trước đây: những thiết bị quân sự của Ukraina, mà Kiev đang cố gắng gửi đi bất cứ nơi nào, trở về nhà cho những người bán không may. Chính quyền Kiev đã phá hủy ngành công nghiệp quân sự, có nghĩa là phá hủy sức mạnh quân sự của họ", — chuyên gia Vladimir Kozin nói.