Dạo quanh khu chợ tết và chợ hoa tại khu Phước Lộc Thọ (miền Nam California) vào những ngày giáp tết, nhiều người đã cảm nhận được không khí đặc trưng như những ngày tết VN. Nhìn các bà, các cô đội nón lá, mang guốc mộc đi tìm mua mai, đào, lan, cúc… về chưng trên bàn thờ, trang trí nhà cửa cứ như ngày còn ở VN. Các cô gái trẻ, em bé thì mặc áo dài xúm xít chụp ảnh, hỏi han về kế hoạch vui xuân.
Không ít gia đình người Việt còn quyết tâm quây quần bên nhau cùng gói bánh chưng, bánh tét sau đó mang ra sau vườn nấu để nhớ về ngày xưa. Gia đình chị Trưng Nguyễn — Mai Trang hiện sống tại Seattle (bang Washington) vừa làm xong 30 đòn bánh tét vào ngày 26 tết.
Chị Trưng Nguyễn trầm ngâm chia sẻ cùng người viết: "Các năm trước chúng tôi dành dụm tiền để về VN đoàn tụ gia đình, nhưng 2 năm nay chưa về. Tết bên này chúng tôi cố gắng giữ đúng tập tục những gì mà ngày xưa mình còn ở VN. Tất cả các loại bánh, mứt ngày tết đều có đủ trong căn bếp nhỏ. Ở đây chúng tôi nấu bánh tét bằng gas, có khi bằng than đá. Ngồi canh nồi bánh giữa trời giá rét xứ Mỹ thường có thêm bình trà, vài miếng mứt gừng nhâm nhi, cảm giác lạ lắm. Vừa man mác nhớ nhà nhưng cũng thấy hạnh phúc bởi dù ở xứ người nhưng vẫn giữ được phong tục ngày xưa".
Nhắc đến tết cổ truyền VN trên xứ Mỹ, có lẽ không đâu nhộn nhịp bằng khu người Việt ở Quận Cam (California). Đặc biệt người Việt sống ở 2 thành phố Westminster và Garden Grove khu Quận Cam còn đốt pháo. Họ kết pháo thành những dây dài cả chục mét để đốt vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1. Trẻ con nghe pháo nổ và nhìn nhiều dây pháo thật dài cứ chạy nhảy tung tăng cười khúc khích. Các bé thường được ba mẹ diện áo dài, khăn đóng và khoanh tay chúc tết ông bà, ba mẹ để nhận lì xì vào sáng mùng 1. Có bé dù khó khăn học tiếng Việt các câu chúc tết nhưng vẫn ngoan ngoãn thuộc nằm lòng.
Gia đình anh chị Hằng Bùi — Khoa Nguyễn sống hơn 20 năm tại Westminster. Vừa chuẩn bị làm các loại bánh mứt, chị vừa kể: "Tết nếu như không phải ngày cuối tuần, chúng tôi thường lấy ngày phép để nghỉ. 20 năm qua chúng tôi giữ đúng tất cả phong tục tập quán như ngày còn ở VN. Tôi may áo dài cho các thành viên trong gia đình. Đêm giao thừa cũng nôn nao thức đến 12 giờ để cúng ông bà tổ tiên. Anh chị em chúng tôi cứ đúng sáng mùng 1 là kéo nhau về tụ tập bên nhà nội để chúc tết, nhận lì xì, rồi chụp hình, ăn uống chung. Năm rồi chúng tôi còn chơi bầu cua, lô tô… đúng là vui như tết. Đó là những ngày vui nhất trong năm và chỉ có lễ tết chúng tôi mới được dịp sum vầy đầy đủ như thế".
Rộn ràng nhất vào ngày mùng 1 tết có lẽ là những ngôi chùa VN tại miền Nam California. Người viết đã từng đến các ngôi chùa nổi tiếng tại đây như: Huệ Quang, Bảo Quang, Phật Tổ, Việt Nam, Dược Sư, Điều Ngự, Quan Âm, Bát Nhã… và thật sự bất ngờ trước dòng người đông đúc. Trong số họ có đến 80% mặc áo dài đi cùng đại gia đình để viếng chùa. Các nhà thờ hay khu tượng Đức Mẹ ở thành phố Long Beach (thuộc miền Nam California) cũng chật kín người Việt đi lễ vào dịp đầu năm. Gặp gia đình chú Trí Nguyễn (70 tuổi, sống 30 năm ở Quận Cam) khi đến viếng chùa Phật Tổ, chú kể: "Năm nào cũng đúng mùng 1 là tôi đưa vợ con, các con cháu đi viếng chùa, sau đó về nhà ăn uống, các con cháu quây quần chụp hình, chúc tết, lì xì…
Đó là những ngày vui nhất của những người đã có tuổi như tôi. Dù sống nơi xứ người nhưng gia đình chúng tôi luôn duy trì những phong tục, tập quán khi còn ở VN. Tôi muốn thế hệ các con cháu mình dù sinh trên đất Mỹ phải luôn hiểu và nhớ về nguồn cội".
Các nghệ sĩ, ca sĩ VN sống tại Mỹ mà người viết có dịp tiếp xúc cũng giữ nguyên những văn hóa truyền thống người Việt. Ca sĩ Bằng Kiều kể: "Nhà tôi đón tết rất truyền thống. Năm nào cũng thế, cứ 28 tết là gói bánh chưng, 30 tết tất cả chung tay dọn dẹp nhà cửa và đón tụi nhỏ qua ăn cơm chiều, rồi lì xì cho các con. Sau khi cúng giao thừa, tôi đưa mẹ đi chùa, sau đó về nhà xông đất. Nếu như năm nào phải bay show vào đúng mùng 1, 2, 3 thì sau đó về nhà là đi thăm bạn bè, bà con".
Hoa hậu Áo dài Kiều Khanh và đại gia đình chị cũng là những người yêu lắm cái tết cổ truyền VN.
"Tôi và gia đình đón tết giống như ngày xưa khi còn ở Sài Gòn. Tôi luôn mua đào, mai, trang trí những câu đối đỏ vào những ngày giáp tết. Tôi thích được đi tặng quà tết, lì xì cho các cháu nhỏ để không khí thêm rộn ràng. Cứ tết đến là đại gia đình chúng tôi hẹn nhau cùng ăn uống, mặc áo dài, chơi bầu cua… cười vui muốn vỡ bụng. Tết là dịp để sum vầy có đầy đủ tất cả người thân, bạn bè; là dịp để bày tỏ nhiều hơn tình yêu thương gắn kết bên nhau dẫu sống xa VN", Kiều Khanh bộc bạch.