"Năm nay mình chỉ nấu món canh măng và xào thôi, còn đặt hết. Mình đặt nem, bánh chưng, một số món khác. Ngay cả canh măng, thực ra mình nấu chỉ là về nhà tự thêm thịt vào thôi, chứ mình cũng mua canh măng nấu sẵn. Rồi nem nữa, họ rán qua, về nhà mình rán lại. Thực ra, rất tiện lợi. Giá cả không đắt, mâm Tất niên nhà mình chỉ hết khoảng 1 triệu đồng với 7 món", — Chị Thanh Thủy, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ với phóng viên Sputnik.
Giá vừa túi tiền của nhiều người, như nem 10 000 đồng/cái; bánh chưng vuông truyền thống từ 50 tới 70 nghìn/chiếc; bánh tẻ từ 8 tới 10 nghìn/cái; giò lụa, chả quế từ 170 tới 200 nghìn/kg… Như vậy, chỉ với khoảng một triệu đồng đã có thể có một bữa Tất niên thịnh soạn cho gia đình 4-6 người với đủ các món ăn truyền thống.
Ngoài bán trọn mâm cỗ Tất niên, nhiều nhà hàng hay cơ sở dịch vụ cũng bán lẻ các món chế biến sẵn cho khách có nhu cầu. Năm nay, theo đánh giá chung, giá mỗi mâm cỗ Tết tăng khoảng 7-10% so với năm ngoái, song lượng đặt lại tăng hơn nhiều.
"Nhà mình chỉ đặt nem, giò xào, măng nấu sẵn cho tiện hơn thôi", — chị Phương Lan, Hà Nội nói với Sputnik.
"Càng ngày càng nhiều người hơn không muốn dành hết thời gian cho việc bếp núc, nhất là dân thành thị, vì vậy lượng đặt tăng, giá tăng theo", — anh Thanh Sơn, chủ một cửa hàng ăn uống nhận làm mâm cỗ Tất niên nói.
Dịch vụ nấu cỗ ngày Tết không mới. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài những đơn vị nấu cỗ, tiệc, chuyên nghiệp thì nhiều bà nội trợ, chủ các cửa hàng ăn nhỏ cũng tham gia.
"Đến 27 Tết là nhà hàng của tôi đã có hàng chục đơn đặt hàng mâm cỗ cúng tất niên ngày 30 Tết. Còn cho những ngày sau Tết số lượng còn nhiều hơn rất nhiều", chị Quỳnh Nga, chủ một nhà hàng nhỏ ở Hà Nội chia sẻ với Sputnik.
Tết là thời gian sum họp gia đình, tăng mối liên kết trong gia đình mà việc nấu nướng ngày tết góp phần vào ý nghĩa đó. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, không phải ai cũng có đủ thời gian cho việc bếp núc. Nhiều người dân thành thị phải làm việc tới 28-29 Tết, thậm chí 30 Tết mới được nghỉ, vì những ngày cuối năm công việc nhiều hơn. Dịch vụ mâm Tất niên rất phù hợp với họ.
"Mình làm ở Đài Truyền hình Việt Nam, được nghỉ muộn, nên quyết định đặt mâm Tất niên, để có thời gian dọn dẹp nhà cửa, đi phố ngắm Tết cùng chồng và các con", — Chị Thanh Thủy, quận Ba Đình, Hà Nội tâm sự với phóng viên Sputnik.
"Tiện quá, thế này các bà nội trợ đỡ khổ! Tết nghỉ được có mấy ngày, cứ cắm đầu vào nấu ăn là hết Tết thôi, không được nghỉ ngơi phút nào", — anh Đức Việt, Hà Nội nói với Sputnik.
Nhưng tất nhiên, phần đông người Việt vẫn quan niệm rằng, tự nấu mới có không khí Tết thực sự trong nhà. Tết ai cũng bận, nhưng mâm cơm cúng tổ tiên, chào đón năm mới nên tự tay làm vẫn tốt hơn, ý nghĩa hơn. Bởi vì, vất vả cũng là một đặc trưng và truyền thống của Tết cổ truyền.
Bởi vì, với phụ nữ Việt, nấu ăn là kỹ năng "buộc phải có". Trong dân gian xưa nay, chữ "Công" đứng vị trí đầu tiên khi nói về "tứ đức" của người phụ nữ: "Công-Dung-Ngôn-Hạnh". Đối với người phụ nữ Việt thì "Công" trước hết là nấu ăn. Mà phụ nữ là người xây tổ ấm.
"Ở Huế thường mâm cúng 30 Tết phụ nữ Huế đều tự nấu, vì là cúng ông bà, tổ tiên. Có đặt thì chỉ những ngày sau Tết, khi mời khách và bạn bè thôi", — chị Minh Thủy, thành phố Huế nói với Sputnik.
"Ở nhà mình, vợ mình luôn tự nấu mâm cơm Tất niên. Cô ấy rất đảm và tự hào về điều đó", — anh Nguyễn Cảnh Nam, Hà Nội nói với Sputnik.
Mâm cúng Tất niên là một nếp sống tâm linh của người Việt từ rất lâu đời, là một nghi thức đánh dấu kết thúc một năm cũ và chào đón năm mới, là sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình mỗi khi Tết đến, xuân về. Dù là mâm cỗ Tất niên đặt hay tự nấu, thì hôm nay, 30 Tết, mọi người thân trong gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau mừng và chào đón năm mới Kỷ Hợi. Đây là khoảnh khắc thiêng liêng vô cùng hạnh phúc của mỗi gia đình Việt Nam.
Những món đặc trưng cho mâm cỗ Tất niên ở miền Bắc: Bát móng giò hầm măng lưỡi lợn, bát bóng nấu thập cẩm, bát miến nấu lòng gà, bát mọc. Đĩa gồm đĩa xôi, đĩa bánh chưng, đĩa thịt đông, đĩa thịt gà luộc, đĩa giò lụa, đĩa giò xào, thêm đĩa nộm và đĩa dưa hành muối.
Những món đặc trưng cho mâm cỗ Tất niên ở miền Trung: bánh chưng, bánh tét, đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa gà bóp rau răm, đĩa thịt đông, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, giá chua, bát ninh măng khô, bát miến Huế, đĩa cá chiên, hay đĩa ram.
Những món đặc trưng cho mâm cỗ Tất niên ở miền Nam: bánh tét kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm; canh măng nấu, bát canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa); đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa nem, đĩa chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu.