Có hai loại người mà người viết cho họ là người tốt.
Loại thứ nhất luôn tự đặt câu hỏi "Năm tháng đã qua, mình đã làm được những việc gì có ích cho dân, cho nước?".
Loại thứ hai đau đáu câu hỏi: "Mình sẽ làm được gì hữu ích cho gia đình, tổ quốc, đồng bào trước khi từ biệt thế giới này?".
Đều là người tốt, nhưng loại thứ nhất lý tưởng quá, chỉ tiếc cái gì "quá" cũng không tốt, loại thứ hai là con người đích thực, con người sống cho mình nhưng cũng sống cho xã hội.
Nhìn lại những việc đã làm để răn mình là tốt, nhưng để tự hào rằng mình đã để lại cho đời những di sản hoành tráng thì lại khác.
Luôn hướng về phía trước, luôn tâm niệm vì một tương lai tươi sáng cho bản thân, gia đình, đồng bào và tổ quốc mới thật đáng quý, sống thế mới không uổng phí những tháng năm ngắn ngủi còn lại của cuộc đời.
Ngày xuân mà nói đến nỗi buồn thì "dông cả năm", thế nên có gì không toại nguyện, không ưng ý thì trút hết vào năm cũ.
Ngày cuối năm bên mâm cỗ giỗ, ngồi cùng mấy ông em họ, lương hưu mỗi vị trên chục triệu đồng, có người bảo năm nay tướng "rụng" nhiều quá, có người phản bác, rằng chỉ có hơn 20 tướng trong số hơn 60 người thuộc diện trung ương quản lý, nghĩa là chỉ khoảng 1/3!
Lại nghe báo Tuoitre.vn đưa tin một ông chuyên môn là "buôn chổi đót" ở miền núi được nhận về làm phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế thuộc một Liên hiệp ở Hà Nội.
Chẳng biết rồi đây ông ấy có phát huy kinh nghiệm để giới thiệu với bạn bè quốc tế hai món đặc sản quê hương là "chổi đót" và "sâu chít", loại sâu sinh từ cây đót này giá lên đến cả triệu đồng một cân.
Sau vụ công an "vung tay chạm má" phóng viên tác nghiệp trên cầu Nhật Tân, mới đây lại xuất hiện thuật ngữ rất hay dành cho một vị trung tá lực lượng này là "Dùng chân tác động vào người nhân chứng".
Báo An ninh Thủ đô viết:
"Càng về cuối năm cuộc chiến chống thực phẩm bẩn lại càng cam go và quyết liệt hơn bao giờ hết. Mặc dù, đã có rất nhiều hình phạt đối với việc kinh doanh thực phẩm bẩn, thế nhưng nhiều người vì "đồng tiền" vẫn "nhẫn tâm", "tàn độc" với đồng loại mình…Việt Nam có 35% số người mắc ung thư, là do sử dụng thực phẩm không an toàn. Thực phẩm bẩn trở thành nỗi kinh hoàng, ám ảnh của rất nhiều người dân".
Thôi thì bỏ qua nỗi buồn, nghênh đón mùa vui?
Thế thì sẽ có gì mới, gì vui để người dân mong đợi trong năm 2019?
Dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vào khoảng 7%, tương đương năm 2018?
Chuyện này trong dự kiến, không có gì mới.
Sáng 21/01/2019, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức phiên họp thứ 15 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Theo đó trong năm 2019 sẽ tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án, truy tố 22 vụ án, xét xử sơ thẩm 27 vụ án, xét xử phúc thẩm 10 vụ án và kết thúc xử lý đối với 43 vụ việc.
Chuyện này đã nằm trong kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, không phải mới mà chỉ là tiếp tục chiến dịch "đốt lò" đã được phát động.
Tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xã hội hóa giáo dục,…
Năm 2019 chính thức bắt đầu thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tinh thần Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị.
Theo thống kê, cả nước có 259 đơn vị hành chính cấp huyện và 6.191 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt một trong hai tiêu chí về diện tích và quy mô dân số cần phải sáp nhập.
Đây tuy là chuyện cũ nhưng vì bắt đầu chính thức thực hiện nên trở thành chuyện mới và vì thế là tin vui đáng được đón nhận.
Nếu thực hiện thành công, người đóng thuế được lợi gì?
Xin lấy dữ liệu trong "Danh bạ điện thoại cơ quan" công bố trên Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội để minh họa.
Trong danh bạ chỉ có tên các vị lãnh đạo từ phó phòng/ban trở lên, không có tên nhân viên, theo danh sách thì khối Đảng, đoàn thể chính trị xã hội có 47 người, khối Ủy ban và Hội đồng nhân dân có khoảng 160 người, tổng cộng hơn 200 người.
Lấy số biên chế ít nhất là 7 người, trong đó có ba lãnh đạo (một trưởng, hai phó) và bốn nhân viên thì số nhân viên nhiều hơn lãnh đạo một tí.
Thế có nghĩa là đội ngũ cán bộ, nhân viên huyện Gia Lâm vào khoảng trên 400 người.
Các huyện được chia làm 3 loại, giả thiết bình quân mỗi huyện có 300 nhân sự thì việc sáp nhập 259 huyện sẽ giảm được khoảng 77.700 biên chế.
Giảm gần 80 nghìn suất lương, 259 trụ sở, vài trăm xe công, rồi còn văn phòng phẩm, điện nước,… nhiều thì không biết nhưng tiền chục tỷ chắc khỏi phải bàn.
Có lẽ đây là một trong những tin vui nhất mà dân chúng nhận được đầu năm 2019.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cho thấy quyết tâm đổi mới hệ thống chính trị đã bắt đầu chuyển động.
Quá trình này sẽ kéo theo việc bố trí lại nhân sự và hệ quả tất yếu là không ít người sẽ "tâm tư".
Vậy những ai "tâm tư", những ai "ngại" có nên tự mình dẹp sang bên, tránh đường cho người khác làm hay tổ chức cần "giúp đỡ, động viên" họ?
Còn nhiều điều khác vui không kém, chẳng hạn gần đây, nhiều sự kiện, đánh giá về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc cuối những năm 70 thế kỷ trước được công khai trên mặt báo, trong đó có những ý kiến chuẩn xác như "Thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi" vì có thời không ít quốc gia ủng hộ bọn diệt chủng ở Campuchia chống Việt Nam…
Liệu vấn đề khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam đã trở nên đáng báo động?
Báo cáo "Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam" của Ngân hàng thế giới (WB) công bố đầu năm 2018 đã đưa ra đánh giá về tình trạng giàu nghèo trong xã hội Việt Nam hiện nay như sau:
"Mặc dù tốc độ giảm nghèo rất nhanh, nhưng vẫn còn rất nhiều người nghèo ở Việt Nam. Con số này đã giảm từ khoảng 18 triệu người nghèo năm 2010 xuống khoảng 9 triệu vào năm 2016. 72% trong số đó là người dân tộc thiểu số, và phần lớn họ sống tại vùng cao. Điều đó có nghĩa là số người nghèo của Việt Nam vượt quá toàn bộ dân số của nước láng giềng Lào".
Đánh giá của WB có thể coi là khách quan, công bằng, nhưng làm sao có thể coi là niềm vui trọn vẹn khi đâu đó trên tổ quốc mình, vẫn còn tới 9 triệu người nghèo khổ?
Muốn xóa đói giảm nghèo, mấu chốt là người lao động phải có kỹ năng nghề, kể cả lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng với đó là đội ngũ lãnh đạo địa phương năng động, biết phát huy thế mạnh vùng miền, không trông chờ vào sự trợ giúp của nhà nước.
Có bao nhiêu vị quan đầu tỉnh biết xấu hổ, biết day dứt vì sao tỉnh mình, địa phương mình lãnh đạo luôn phải trông chờ vào điều tiết từ ngân sách trung ương (thực chất là tiền thuế mà người dân các địa phương khác nộp)?
Nên chăng quy định nếu sau ba năm mà tỉnh vẫn phải nhận thêm tiền từ ngân sách thì lãnh đạo cao nhất phải từ chức.
Câu "Ôn cố tri tân" nghĩa là nhắc lại cái cũ để nhận biết cái mới, ôn lại quá khứ để tiên đoán tương lai.
Giã từ năm cũ không phải là lúc gặm nhấm nỗi buồn mà là gác lại nỗi buồn để cùng nhau hướng về phía trước.
Người Việt phải chuyển từ chiến đấu để tự quyết vận mệnh của mình sang tham gia nhiều hơn với cộng đồng quốc tế, phải cho thế giới thấy con đường đi đến ấm no hạnh phúc của người Việt cũng là con đường mà nhiều dân tộc có thể học tập.
Muốn làm được việc đó, điều kiện cần và đủ là gần trăm triệu người Việt đồng lòng cùng với một ban lãnh đạo tài giỏi, liêm khiết.
Hiện đất nước đã hội tụ được cả "cần và đủ"?
Đợi vì việc hình thành một "ban lãnh đạo tài giỏi" hình như chưa được xem là trách nhiệm của toàn dân, chỉ là công việc nội bộ.
Nên tìm người tài trong cả trăm triệu người hay chỉ trong phạm vi bốn, năm triệu người?
Hy vọng trong vài năm tới, câu hỏi nêu trên sẽ được làm rõ bởi quỹ thời gian của mỗi con người không phải là vô hạn, bởi không làm rõ sẽ là có lỗi với lịch sử.