Một "ông Tây" trong đội tuyển Việt Nam
Cuộc sống không cho ai tất cả. Cuộc sống đã cho Văn Lâm một ông bố người Việt, một thân hình cao lớn, một kỹ năng xuất chúng, quan trọng nhất, một tình yêu thiêng liêng với đất nước Việt Nam, nhưng lại không cho anh được ở Việt Nam từ lúc nhỏ. Văn Lâm chỉ là một "Việt kiều" tại CHLB Nga, và trước những thành công của anh trong hơn một năm qua, cụm từ đó gắn với một tương lai không sáng sủa trong màu áo đội tuyển.
Trước Văn Lâm, những cầu thủ Việt kiều, những cầu thủ nhập tịch nhiều lần mong muốn được góp sức cho đội tuyển Việt Nam. Nhưng với những "thất bại" trong quá khứ với Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max hay Mạc Hồng Quân, chúng ta có một sự chùn chân nhất định với những cầu thủ đến từ ngoài biên giới.
Định kiến đó đã đi theo đội tuyển Việt Nam nhiều năm trời và tạo thành một bức vách ngăn cách khát khao cống hiến của những "ông Tây" với màu áo quê hương.
Nhưng ông trời chẳng phụ lòng người xứng đáng. Để đến được ngày hôm nay, Văn Lâm đã trải qua quá nhiều thăng trầm. Ở đây, trầm nhiều hơn thăng. Sinh năm 1993, Văn Lâm về thử việc cho Hoàng Anh Gia Lai và đội U19 Việt Nam từ năm 2010. Không thích nghi được vì nhiều lý do, Văn Lâm bị đào thải, trở lại Nga, sống vật vờ ở những đội bóng nghiệp dư, trước khi nhận được lời khuyên hãy từ giã nghiệp bóng đá từ cha mình.
Nếu chấp nhận, Văn Lâm sẽ lại là một ví dụ khác của sự thất bại, và định kiến một lần nữa chiến thắng. Nhưng không, chất thép trong con người nghị lực này không cho phép anh bỏ cuộc. Bằng thứ tiếng Việt chưa chuẩn chỉnh của mình, Văn Lâm chia sẻ khát khao cháy bỏng, mong có thêm một cơ hội, chỉ một thôi, ở Việt Nam:
"Mong muốn nhất bây giờ là về Việt Nam thử việc cho đội tuyển U23. Một lần nữa thôi, không cần thì Lâm sẽ về Nga và không phiền nữa đâu ạ. Lâm đẻ ra ở Nga nhưng bố của Lâm là người Việt Nam. Lâm có hộ chiếu Việt Nam, biết nói và đọc tiếng Việt.
Có ai không thương cảm khi đọc xong những câu chữ ngô nghê đến phần vụng về này, "ông Tây" kia thực sự quá yêu Việt Nam rồi. Và đó là năm 2015. Sau bốn năm, Văn Lâm đã có cơ hội mình mong muốn nhưng những thách thức chưa dừng lại. Anh đã được lên tuyển Việt Nam nhưng chỉ là phương án dự phòng ở AFF Cup 2016. Rồi sau đó là những rắc rối ở Hải Phòng khi mơ ước có thể phải quay lại vạch xuất phát.
Nhìn Văn Lâm vinh quang của ngày hôm nay, nào ai thấu được những ê chề của sự ghẻ lạnh, của sự lạc lõng, nỗi sợ hãi khi bị rượt đuổi, tâm trạng đau khổ khi bị loại khỏi ASIAD 2018, hay những dịp cuối năm tập luyện một mình khi cả nước vui vẻ ăn Tết.
Tựu chung lại, Văn Lâm có quá nhiều lý do để thua định kiến, nhưng anh đã chọn cách thắng!
Lời khẳng định của chân thực lực
Thật sự, có lẽ là lấn hiếm hoi trong lịch sử phát triển, cầu môn đội tuyển Việt Nam được trấn giữ bởi một người cao lớn như Văn Lâm. Nhưng anh không chỉ mang đến sự yên tâm từ dáng vóc trời phú, mà còn qua từng động tác chuyên nghiệp.
Ra vào bài bản, đọc tình huống tuyệt vời, kết nối với đồng đội vững vàng và phản xạ thì xuất thần, Văn Lâm chính là nhân tố mà chúng ta còn thiếu suốt nhiềm năm nay để tạo nên một Việt Nam hoàn hảo.
Hai giải đấu AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019 chính là nơi người hâm mộ Việt Nam được chứng kiến một hàng thủ kiên cố nhất từ trước tới nay. Với bộ ba trung vệ ăn ý trước mặt cùng Văn Lâm trong khung thành, niềm tin mãnh liệt đến từ chính nền tảng này. Tại AFF Cup 2018, Văn Lâm chơi xuất sắc nhưng cho chúng ta cảm giác anh có thể làm được nhiều hơn nữa.
Một Việt Nam kiên cường, không bao giờ bỏ cuộc gói gọn trong hình ảnh của Văn Lâm ngày hôm đó. Anh nhanh chóng vượt qua bàn thua sớm, trở nên ổn định trong suốt hiệp hai và thực sự sắc sảo trong loạt luân lưu cân não. Văn Lâm đẩy được một quả sút định mệnh, là người hùng nhưng còn hơn thế nữa, chứng minh một người vô danh hoàn toàn có thể trở thành trụ cột cho quốc gia, chỉ cần anh ta yêu chân thành.