Hơn 50 năm trước, vào đầu năm 1966, trong lúc cả nước đang dồn sức cho cuộc đấu tranh chống Mĩ cứu nước, bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một hội nghị chuyên đề toàn quốc lần thứ nhất về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã diễn ra tại Hà Nội. Bài viết của TS. Phạm Văn Lam — nhà nghiên cứu ngôn ngữ — về nhiệm vụ "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" hơn nửa thế kỷ qua.
Cuối năm 1979, lúc tiếng súng ở hai đầu biên giới phía Bắc và phía Tây Nam vừa lắng xuống, cũng tại Hà Nội, Hội nghị chuyên đề toàn quốc lần thứ hai về vấn đề này đã được tổ chức. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự cả 2 hội nghị này và đã có bài phát biểu với tên gọi "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt"; các bài phát biểu này đều đã được đăng tải nhiều trên báo đài, sách vở. Đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vẫn là một trong những nỗi niềm canh cánh của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ông cho đăng bài viết "Trở lại vấn đề giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt" trên báo Nhân dân.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lần thứ nhất năm 1966, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định tiếng Việt ta rất giàu và đẹp. Để giữ gìn và phát triển hai "đức tính" (chữ của cố Thủ tướng) quý báu đó, "chúng ta phải làm gì?". "Và ai phải làm gì?". Cố Thủ tướng cho rằng chúng ta "phải chủ động, tích cực, nhạy cảm, đồng thời phải kiên trì, phấn đấu lâu dài, một cách có tổ chức, có kế hoạch, vững chắc". Cố Thủ tướng cho rằng phải "chú ý ba khâu": "Một là giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta […] Hai là nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta […]. Ba là giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kỹ thuật…)".
Còn riêng đối với nhiệm vụ thứ ba, cho đến nay vẫn là một nhiệm vụ thường xuyên và liên tục nhận được sự quan tâm đông đảo từ xã hội, từ các nhà khoa học, các nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục, nhà văn hoá… Nhiều đài, báo đã mở riêng chuyên mục Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nhiều cuộc hội thảo khoa học ngôn ngữ học về chủ đề này đã được tổ chức.
Tiếng Việt hiện nay đã là một ngôn ngữ "có một sức khoẻ cực tốt" và vẫn đang vận động, phát triển từng giây từng phút, đủ sức để đảm đương mọi nhiệm vụ mà xã hội đã giao cho nó. Ngay từ Hiến pháp năm 1946, tiếng Việt đã được ghi nhận là tiếng phổ thông, dùng chung cho các dân tộc ở Việt Nam. Trong Hiến pháp năm 2013, tiếng Việt đã chính thức được hiến định là ngôn ngữ quốc gia. Từ năm 1945 đến nay, tiếng Việt được sử dụng chính thức trong các văn bản hành chính của nhà nước, trong giáo dục, trong khoa học, trong đối ngoại, trong các hoạt động văn hoá văn nghệ, trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng, tiếng nói là thứ của cải lâu đời, vô cùng quý báu của dân tộc. Ngôn ngữ không chỉ là công cụ của giao tiếp và tư duy, mà nó còn là căn cước của một dân tộc, là dấu hiệu nhận diện một dân tộc, một nền văn hoá,… Đối với một quốc gia độc lập, ngôn ngữ được xem là một trong ba biểu tượng của một quốc gia (cùng với quốc kỳ và quốc ca). Vì thế, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển nó là nhiệm vụ chung, của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học kỹ thuật đang có những bước tiến vượt bậc, trong thời kỳ mà chúng ta đang hội nhập rất sâu rộng và mạnh mẽ với quốc tế, trong thời kỳ mà những ngôn ngữ lớn, đặc biệt là tiếng Anh, đang thâm nhập và len lỏi vào mọi ngóc ngách của tất cả các ngôn ngữ khác, trong thời kỳ mà những ngôn ngữ có sức khoẻ không tốt, những ngôn ngữ có lượng người nói ít đang dần lâm vào trạng thái nguy cấp, đang dần bị mai một, dẫn tới tiêu vong… Tiếng Việt của chúng ta cũng không nằm ngoài cuộc vận động, phát triển có tính thời sự chung này.
Nhiều người sẵn sàng "xổ ra" tiếng Anh, "xổ ra" những từ ngữ khó hiểu bất cứ lúc nào khi cần, mà chẳng thèm đoái hoài đến người nghe người đọc là ai, trong bối cảnh nào… Họ nói book phòng thay vì đặt phòng, nói order hàng thay vì đặt hàng, ship hàng thay vì chuyển hàng… Rồi họ sẵn sàng nói chu viên thay cho viên mãn, phong điện thay cho điện gió, nhà thờ họ Nguyễn tộc thay cho nhà thờ họ Nguyễn…
Ngôn ngữ nào cũng cần vay mượn từ ngữ từ các ngôn ngữ khác khi ngôn ngữ đi mượn thiếu vắng những từ ngữ để biểu đạt điều cần nói, nhưng sự vay mượn đó phải có chừng mực, không thừa, không trùng lặp với những cái đã có và vốn đã rất trong sáng, chính xác. Rồi, họ sẵn sàng viết "wen" thay cho quên, viết "bít" thay cho biết, viết "vk" thay cho vợ, viết "lun" thay cho luôn… Ngôn ngữ cho phép người ta sáng tạo, nghĩ ra cách dùng riêng, đôi lúc là cả sự phá cách, cho phép viết tắt, cho phép rút gọn… nhưng sự sáng tạo, sự phá cách, cách dùng riêng, cách viết tắt, cách rút gọn đó phải đúng văn cảnh, bối cảnh, chủ thể và lĩnh vực giao tiếp. Rồi họ sẵn sàng nói Cao Bá Quát thay cho quát, Yết Kiêu thay cho kiêu… Ngôn ngữ cho phép chuyển tên riêng thành từ chung, nhưng phải chuyển theo những cơ chế chấp nhận được. Rồi họ sẵn sàng nói được tài trợ bởi X, được hát bởi X, được lái bởi… thay cho được X tài trợ, được X hát, được X lái…
Có lẽ là hiện nay chúng ta đã không còn phải lo lắng về chuyện tiếng Việt của chúng ta quá yếu, không đủ sức để biểu đạt được hết cả những sự tinh tế, chính xác và sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, văn hoá văn minh của nhân loại như cha ông chúng ta đã từng lo lắng cách đây gần 100 năm nữa. Nhưng nỗi lo về việc giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt vẫn là một nỗi lo thường trực, khôn nguôi, vẫn luôn cần đặt ra, nêu ra để chúng ta cùng suy ngẫm và chung tay tìm giải pháp.
Để có thể giữ gìn và phát triển sự trong sáng của mình, như mong muốn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tiếng Việt đang rất cần các nhà ngôn ngữ cho ra đời các loại sách công cụ khác nhau dùng để tra cứu, đang rất cần các loại từ điển khác nhau để điển chế hoá, chuẩn hoá kho tàng từ vựng tiếng Việt vốn đang vận động và phát triển hằng ngày hằng giờ; đang rất cần những cuốn sách ngữ pháp mới để mọi người có thể lấy đó làm điểm tham chiếu sao cho việc nói và viết được đúng phép tắc, mẹo mực, chính xác và rõ ràng, không nửa tây nửa ta…
Nếu có bộ luật này thì sự trăn trở về nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phần nào sẽ được giải toả, bởi ở bộ luật đó quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức đều đã được minh định sẵn. Lúc đó, ai, cơ quan nào có chức năng điển chế hoá ngôn ngữ, bộ phận nào có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng ngôn ngữ…, các chế tài đối với các hành vi sử dụng ngôn ngữ cũng đã được quy định sẵn, những nỗi lo lắng về một tiếng Việt không trong sáng sẽ được giảm bớt, ít nhất là không đến mức độ nghiêm trọng và ở tình trạng báo động như suy nghĩ của nhiều người hiện nay.