Ví dụ, đại diện Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông Garrett Markis nói rằng, "trạm không gian trên mặt đất ở Patagonia, mà 10 năm trước một chính phủ tham nhũng đã tán thành dự án xây dựng nó là một ví dụ về các thỏa thuận không minh bạch với Trung Quốc gây hại cho nước chủ nhà". Tại sao các trạm không gian mà thõa thuận về việc xây dựng đã được ký kết mấy năm trước, đột ngột trở thành mục tiêu tấn công, liệu chúng thực sự nguy hiểm đối với phương Tây? Sputnik yêu cầu chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin trả lời câu hỏi này.
Reuters gọi cơ sở Trung Quốc ở Argentina là hộp đen, một cơ sở bí ẩn có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp. Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, kết quả là Trung Quốc bị Hoa Kỳ miêu tả là "kẻ thù mới". Do đó, các dự án Trung Quốc đang được thực hiện trên lãnh thổ các nước đồng minh của Hoa Kỳ trước đây không thu hút sự quan tâm, hiện nay lại được chú ý.
Trung Quốc có một mạng lưới các trạm giám sát các đối tượng không gian bố trí ở nước ngoài. Một trạm trong số đó — trạm ở Dongara (Úc) — nằm trên lãnh thổ nước đồng minh quân sự của Hoa Kỳ. Cơ sở này đã được chính phủ Úc phê duyệt vào năm 2009. Và trong năm 2011 trạm này đã được sử dụng để hỗ trợ cho chuyến bay của tàu vũ trụ Thần Châu-8.
Khác với cơ sở ở Patagonia, một công ty Thụy Điển đã xây dựng trạm Dongara, và Trung Quốc thuê cơ sở này. Các nhà chức trách Úc đã kiểm tra trạm này (một trong những cáo buộc là trên trạm Patagonia không có cơ chế kiểm tra cần thiết). Đồng thời, Trung Quốc đã cung cấp các thiết bị chính cho trạm Dongara, và các nhân viên Trung Quốc vận hành các thiết bị đó.
Một cơ sở khác của Trung Quốc bố trí trên lãnh thổ quốc gia phương Tây là trạm vệ tinh Kiruna (Thụy Điển). Các trạm khác được triển khai tại quốc đảo Kiribati ở Thái Bình Dương, ở Pakistan (ở Karachi và Lahore), ở Kenya (Malindi), Namibia (Swakopmund) và Chile (Santiago).
Khi xây dựng các trạm ở nước ngoài trong khuôn khổ chương trình không gian, Trung Quốc đã dựa vào các trạm trên lãnh thổ của mình và các tàu do thám vũ trụ lớp Yuan Wang. Những chiếc tàu đầu tiên đã được đưa vào hoạt động từ năm 1980. Đến nay, một số thế hệ tàu đã thay đổi, hiện có 5 tàu lớp Yuan Wang đang được vận hành. Tất nhiên, các trạm mặt đất mới giúp đơn giản hóa, giảm giá và nâng cao độ chính xác của việc quan sát và điều khiển tàu vũ trụ trên quỹ đạo. Nhu cầu về một cơ sở hạ tầng như vậy đang tăng lên vì Trung Quốc có tham vọng không gian, bao gồm cả các dự án lên mặt trăng và nghiên cứu vũ trụ xa xôi.
Trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy cuộc chạy đua làm chủ không gian, ranh giới giữa các chương trình quân sự và dân sự hầu như bị xóa bỏ hoàn toàn. Bất kỳ chương trình không gian nào của các đối phương đều bị coi là mối đe dọa. Do đó, các trạm không gian của Trung Quốc trên lãnh thổ các nước đồng minh của Hoa Kỳ có thể gặp khó khăn. Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ về việc di chuyển các trạm này đến những nơi an toàn hơn hoặc xây dựng thêm các tàu vũ trụ đắt tiền để theo dõi các vật thể không gian.