Vụ việc nhỏ, hành động của người trong cuộc để lại cho dư luận sự bức xúc lớn
Ngày Mồng Một Tết, vụ người đàn ông tát phụ nữ do va chạm với trẻ em xảy ra tại thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) khiến dư luận bất bình.
Nhiều người đã tìm đến nhà của đối tượng tát phụ nữ chở theo con trên xe có những lời lẽ chỉ trích, phản ứng gay gắt.
Nhiều thanh niên yêu cầu đối tượng có hành vi khiếm nhã phải xin lỗi công khai trên mạng xã hội và xin lỗi người phụ nữ bị tát.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Kiệm — Đoàn luật sư Hà Nội phân tích, quan sát kỹ trên clip, đối với chủ xe Kia — Sorento tôi thấy có mấy hành vi thiếu ý thức chấp hành giao thông của người điều khiển xe.
Tài xế đã đỗ xe ngang song hành trên cùng 1 đoạn đường hẹp trong khí đã có 1 xe khác đỗ trước đó (xe bán tải ở phía đối diện bên kia đường).
Tài xế xe Kia — Sorento làm giảm, thu hẹp lòng đường, làm hạn chế tầm nhìn của các phương tiện giao thông gây khó khăn cho nhưng phương tiện giao thông khác dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông.
Hành vi của tài xế xe Kia — Sorento có thể bi phạt tiền từ 300 đến 400 ngàn đồng.
Ngoài ra, hành vi chạy ngang đường cắt ngang đầu xe máy của cháu bé rõ ràng là hành vi vi phạm do thiếu ý thức của tuổi vị thành niên, thiếu quan tâm giáo dục của cha mẹ.
Hành vi của ngươì nam thanh niên mở của xe rồi xông thẳng vào tát liên tiếp vào mặt người phụ nữ điều khiển xe Vision là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác được pháp luật bảo vệ cần phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với người điều khiển xe ô tô Sorento đã có những hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ rất rõ ràng như sử dụng đèn khẩn cấp để lùi, đỗ là trái pháp luật, cần phải xử lý theo Điều 6 NĐ 46/2016/NĐ-CP.
Luật sư Kiệm đánh giá, cần phải xem thêm những hành vi khác nữa như kiểm tra bằng lái, đăng kiểm, bảo hiểm, kiểm tra biển báo tại vị trí vi phạm để xem có các vi phạm khác nữa không để xử lý đồng thời đảm bảo chính xác, đầy đủ, đúng pháp luật.
Người phụ nữ bị tát cần phải làm đơn tố giác tội phạm
Đối với hành vi tát người phụ nữ điều khiển xe Honda Vision của nam thanh niên thì có dấu hiệu rất rõ ràng của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Nam thanh niên có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội làm nhục người khác.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm dẫn chứng, Điều 155 có quy định, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm tù.
Như vậy, để khởi tố vụ án, người điều khiển xe Honda Vision cần phải làm đơn tố giác và đề nghị khởi tố vụ án đến cơ quan Công an và Viện kiểm sát cấp huyện nơi xảy ra vụ việc.
Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra của thị xã Long Khánh phải thụ lý và tiến hành thu thập, xác minh, xem xét hiện trường.
Từ cơ sở các tài liệu chứng cứ mới đánh giá, xem có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hay xử lý đối với hành vi vi phạm của nam thanh niên theo đúng quy định của pháp luật.
Trong cuộc sống, như từ cái nhìn như "nhìn đều", khi một người từ chối chén rượu, cốc bia rồi cho đó là hành vi người này "khinh", "coi thường" người khác rồi xảy ra án mạng.
Hay từ những va chạm giao thông dẫn đến xô xát rồi đến án mạng.
Trong vụ việc này nếu không được mọi người can ngăn, ngăn chặn kịp thời thì không ai có thể đảm bảo sự việc sẽ nghiêm trọng hơn.
Không thể coi nhẹ, se xoa dễ dẫn đến hậu quả coi thường kỷ cương pháp luật
Qua đó, cần thiết vụ việc này cần phải được xử lý đúng pháp luật, phù hợp với tính chất mức độ của vụ việc để qua đó mỗi người có ý thức trách nhiệm hơn với mỗi hành vi, hành động, lời nói của mình trong cuộc sống xã hội.
Việc coi nhẹ se xoa, bỏ qua nếu cho rằng vụ việc nhỏ về lâu dài sẽ dẫn đến hậu quả coi thường kỷ cương pháp luật và hệ lụy cho xã hội.
Ở đây, có lỗi của cháu bé; và trong đó, có trách nhiệm giáo dục, giám sát của cha mẹ hoặc người lớn khi để trẻ em tham gia giao thông.
Đối với người phụ nữ điều khiển xe Vision thì đây là tình huống bất khả kháng, "sự kiện bất ngờ" nên người phụ nữ không có lỗi.
Rất may là tai nạn nghiêm trọng đã không xảy ra. Qua đây, cho thấy ý thức tham gia giao thông của mỗi người là rất quan trọng là nguyên nhân gây ra rất nhiều vụ tại nạn giao thông.
Vì vậy, bản thân ý thức mỗi người tham giao giao thông phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm, coi trọng tính mạng của mình cũng như của người khác, khi tham gia giao thông.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm lập luận, phải luôn chấp hành luật giao thông, đi đúng tốc độ, đúng phần đường, sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi điều khiển khi ngồi xe ô tô.
Không sử dụng rượu beer và các chất kích thích, ma túy khi tham gia giao thông.
Luật sư Kiệm nói, nâng cao văn hóa giao thông, gồm: chấp hành luật giao thông và văn hóa giao thông là chìa khóa để giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.