"Nhà nước kiến tạo", nôm na là: Nhà nước nhường bớt việc cho tư nhân. Có nghĩa là rút dần khỏi những công việc cụ thể, nhường chỗ những lĩnh vực không cần thiết nắm giữ cho tư nhân, cho xã hội để tập trung vào công tác hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước.
Cho nên, công tác "cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước" dù đã nói ra rả trên truyền thông, báo chí, ai cũng biết sẽ tăng thêm hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho đất nước, nhưng thực tế diễn ra chỗ nào cũng vướng mắc, chậm chạp. Trăm nghìn lý do được đưa ra, mà lý do phổ biến nhất là do "thị trường không thuận lợi".
Trong khi, lý do cốt lõi lại ít khi được nhìn nhận đúng mức và thỉnh thoảng mới được đề cập đến, gọi tên ra là "tâm lý sợ mất chức" của các chủ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), cộng hưởng cùng "tâm lý sợ bớt mất quyền" của các ngành, các bộ.
Điều này hiển nhiên bởi một khi còn là DN của Nhà nước thì vẫn còn chức vụ, vẫn còn được tiêu tiền ngân sách, sau khi cổ phần hóa, Nhà nước rút vốn đi rồi thì "ghế" đó hẳn gì đã còn, nếu còn thì cũng trở nên khó khăn hơn vì phải chịu giám sát của đại hội đồng cổ đông. Lúc đó, việc "giữ ghế" chỉ còn dựa trên kết quả kinh doanh chứ không phải là dựa trên quan hệ và những lợi thế nhân thân như trước.
"Muốn làm được, phải có nhân sự tốt, người lãnh đạo tốt, có thực tài, có năng lực. Ở Việt Nam, chúng ta thường nghe phản ánh cách lựa chọn cán bộ đâu là hậu duệ, tiền tệ, quan hệ… không thấy trí tuệ đâu cả. Như thế thì để xây dựng Nhà nước kiến tạo bắt đầu từ đâu? Làm thế nào và làm được không? Chúng ta đối diện với đầy thách thức". Ông Cung nói.
Phân tích trên của ông Nguyễn Đình Cung là rất đúng và trúng, nhưng có lẽ là chưa đủ. Đúng là thực trạng xã hội ở ta, tuyển dụng nhân sự thường dựa trên "4C", "ngũ ệ"… Tình trạng đó bóp méo năng lực bộ máy, gây ra sự trì trệ đối với nền kinh tế. Vì hiển nhiên, nếu tuyển dụng không lựa chọn được người tài thì làm sao đưa ra được quyết định, quyết sách đúng đắn cho tập thể? Hay là người đó cũng lại chỉ tìm cách đưa thêm "đồ đệ", "vây cánh" vào nhằm mục đích tư lợi, chứ không nhằm phát triển tổ chức!
Những con số khổng lồ, gắn với những nhiệm vụ khó khăn! Nhưng khó không phải là không thể làm. Nhà nước kiến tạo bắt đầu từ đâu ư? Mọi vấn đề đều có thể thực hiện nếu chúng ta thực hiện theo pháp luật, tôn trọng "Nhà nước pháp quyền".
Chẳng hạn, trong khâu tuyển dụng nhân sự đều có thi tuyển rõ ràng, có tiêu cực thì phải xử nghiêm theo trách nhiệm. Trong khâu định giá bán vốn, cổ phần hóa, xảy ra sai sót phải quy định rõ mức độ bồi thường. Vi phạm thế nào thì bị trừ lương, thế nào thì cách chức? Khi rõ ràng, phân minh vấn đề thưởng — phạt gắn với từng vị trí, cá nhân như vậy thì người ta dẫu muốn "đục nước béo cò" cũng khó.
Sẽ rất khó có được sự thuyết phục nếu dư luận nhìn vào vẫn thấy ở đâu đó có người bị khép tội chỉ vì ăn cắp một cái bánh mỳ mà ở một nơi khác, tham nhũng, gây thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng vẫn không bị quy trách nhiệm.
Một khi vẫn còn tình trạng "nhờn luật"', coi thường luật pháp, vô hiệu luật pháp… thì dù quyết tâm xây dựng "Nhà nước kiến tạo" với những tuyên ngôn, khẩu hiệu và mục đích tốt đẹp đến đâu chăng nữa cũng sẽ rất gian nan mà thành hiện thực!
Nguồn: dantri.com.vn