Theo USNI News, nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 12/2, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương, cho rằng Triều Tiên là thách thức cấp thiết nhất trong khu vực, nhưng hành vi mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài và to lớn hơn đối với việc duy trì tự do thương mại và tự do di chuyển của người dân trong khu vực.
"Bằng đe dọa và cưỡng ép, Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tư tưởng của mình để bẻ cong, phá vỡ và thay thế trật tự quốc tế dựa trên pháp luật hiện có. Với vị thế của mình, Bắc Kinh tìm cách tạo ra một trật tự mới, trật tự với dấu ấn Trung Quốc, do Trung Quốc lãnh đạo, thay thế cho sự ổn định và hòa bình ở Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương đã tồn tại hơn 70 năm qua", Đô đốc Davidson nói.
Minh chứng rõ ràng nhất cho việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng là cách quốc gia này sử dụng các đảo trên Biển Đông để biện minh cho các yêu sách mở rộng lãnh thổ.
Luật pháp quốc tế không công nhận những động thái này và hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) là phương pháp để Trung Quốc biết cộng đồng quốc tế không chấp nhận những tuyên bố liên quan của Bắc Kinh, ông Davidson nói thêm.
Admiral Philip Davidson, Commander of US Indo-Pacifica Command: "China represents our greatest long term strategic threat to a free and open Indo-Pacific and to the United States." pic.twitter.com/RxO9FvNs26
— The Hill (@thehill) 13 tháng 2, 2019
Hoạt động tự do hàng hải cũng thể hiện cho các quốc gia khác biết Mỹ cam kết tham gia vào khu vực.
"Mỹ có đồng minh và đối tác tại khu vực, bao gồm Anh, Nhật, Australia, New Zealand, Canada, Pháp, tất cả, dù ở hình thức này hay hình thức khác đều triển khai hoạt động tại Biển Đông, và tôi cho rằng điều đó thể hiện cộng đồng quốc tế sẵn sàng đẩy lùi" Trung Quốc, Đô đốc Davidson khẳng định.
"Tiếp tục xây dựng hệ thống tàu ngầm là cực kỳ quan trọng. Ngay bây giờ, đó là lợi thế đáng kể nhất của Mỹ", ông Davidson nhận định.
Trung Quốc hiện đưa ra yêu sách đối với hầu hết Biển Đông, vùng biển chiến lược với các tuyến đường hàng hải quốc tế và giàu tài nguyên.
Ngày 11/2, hai tàu khu trục Mỹ USS Spruance và USS Preble tiến vào áp sát Đá Vành Khăn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Báo chí Mỹ dẫn lời người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho rằng hoạt động này nhằm "thách thức các tuyên bố hàng hải vô lý và bảo vệ việc tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế".