Các nghị sĩ châu Âu cho biết, họ bị Venezuela từ chối nhập cảnh, và Bộ Ngoại giao nước này nói rằng, những nghị sĩ này đang lên kế hoạch cho một âm mưu tại Venezuela.
"Họ đã giữ hộ chiếu của chúng tôi và sau đó trục xuất chúng tôi khỏi Venezuela. Họ đối xử không tốt với chúng tôi, lý do duy nhất là Maduro không muốn chúng tôi có mặt tại đây", — nghị sĩ châu Âu Gonzalez Pons đăng trên Twitter.
"Theo các kênh ngoại giao chính thức, chúng tôi biết về chuyến thăm Venezuela của nhóm các nghị sĩ châu Âu với mục đích không rõ ràng. Họ được khuyến cáo không thực hiện các hành vi khiêu khích. Venezuela không cho phép các hành vi xâm phạm hòa bình và ổn định của đất nước", — Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza đăng trên Twitter.
Nhận xét về tình huống này trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, nhà khoa học chính trị Yuri Pochta, giáo sư tại Khoa Chính trị học so sánh của Trường Đại học Hữu nghị Các Dân tộc Nga (RUDN) lưu ý rằng, hành động của chính quyền nước này có thể giải thích được.
"EU và trước hết Nghị viện châu Âu ủng hộ các hành động chống lại Tổng thống được bầu cử theo hiến pháp Venezuela. Dễ hiểu tại sao đối với ông Maduro, các nghị sĩ châu Âu là những người chống lại chính quyền Tổng thống, là những người có âm mưu đảo chính, những người ủng hộ Mỹ. Đây là nguyên nhân tại sao ông Maduro không chấp nhận và không muốn để các nghị sĩ này vào Venezuela và hỗ trợ cho Juan Guaido, một nhân vật mà Mỹ gọi "tổng thống". Tức là, bằng cách này ông Maduro chỉ bảo vệ an ninh của đất nước, — ông Yuri Pochta nói.
Chuyên gia Nga nói lên ý kiến về diễn biến tình hình trong nước, và những kết quả có thể có sau cuộc đàm phán của nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido với quan chức quân đội.
"Theo tôi, có chú ý đến kinh nghiệm phong phú của Mỹ trong việc tổ chức những cuộc đảo chính ở Mỹ Latinh, Hoa Kỳ vẫn cố gắng mua chuộc những người có thể chuyển sang phe bên kia, bên các đối thủ của chính phủ hiện tại. Tuy nhiên, đặc điểm của Venezuela là ở chỗ: về vị trí xã hội và giai cấp, các quan chức quân đội đều gần gũi với Maduro. Đối với họ, việc chuyển sang phe bên kia có nghĩa là thay đổi quan niệm và phản bội tầng lớp xã hội của mình, phản bội lợi ích của nhân dân, — chuyên gia Yuri Pochta nhận xét.
Vào ngày 23 tháng 1, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaidó tuyên bố mình là người đứng đầu nhà nước trong suốt thời gian của chính phủ lâm thời. Bước đi này nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Washington yêu cầu Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, mà Mỹ không coi ông là tổng thống hợp pháp, không thực hiện các hành động bạo lực chống lại phe đối lập.
19 quốc gia châu Âu đã thông qua bản tuyên bố chung vào ngày 4 tháng 2, trong đó họ xác nhận rằng họ công nhận Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela. Bản tuyên bố được ký bởi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Hungary, Áo, Phần Lan, Bỉ, Luxembourg, Cộng hòa Séc, Latvia, Litva, Estonia, Ba Lan, Thụy Điển và Croatia. Sau đó, Macedonia và Romania cũng ký vào bản tuyên bố này.