Mở đầu buổi nói chuyện với lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Thủ tướng nói nền kinh tế Việt Nam năm 2018 có chiều sâu tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng và có tính kế thừa rõ nét.
"Nền kinh tế của chúng ta có tính kế thừa trong quá trình phát triển khi kế thừa thành tựu 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, song song với đó cũng phải ra sức khắc phục nhưng bất cập, tồn tại, yếu kém", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng: Thời gian dài qua, Chính phủ hướng về người dân, lo cho dân, liêm chính trong hành động. Một vụ việc điển hình như Cà phê "Xin chào", Chính phủ bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, để DN yên tâm đầu tư làm ăn, phát triển ổn định.
Theo Thủ tướng, năm 2018, Bộ KH&ĐT đã có nhiều đề án được ban hành nhưng triển khai chậm như Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Đầu tư công, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật về PPP… Bộ KH&ĐT cần đi tắt đón đầu trong phát triển, đổi mới tư duy, hành động, nhất là khi bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ.
Trong tham vấn chính sách điều hành kinh tế, Bộ này phải chỉ ra 5 thách thức với nền kinh tế để có hướng giải quyết như: Mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt; các "đám mây đen" chủ nghĩa bảo hộ gia tăng; kinh tế thế giới suy giảm; chính sách kinh tế thắt chặt; Brexit… ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.
"Tại sao người ta khởi nghiệp phải sang Singapore? Khởi nghiệp phải mạnh mẽ hơn ở Việt Nam nên bắt nguồn từ đâu? Cơ chế, thể chế nào thúc đẩy khởi nghiệp ở Việt Nam?", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ đặt đầu bài cho Bộ Kế hoạch phải:
"Làm sao Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thắng bẫy rác thải công nghệ, bẫy thu nhập trung bình… để không dân nào bị bỏ lại phía sau, xây dựng dân tộc tự cường thịnh vượng…".
Thủ tướng kêu gọi xóa bỏ tình trạng "trên nóng" — "dưới lạnh" mà nhân dân phản ánh.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng khái nói:
"Chúng ta nói vì dân nhưng hách dịch, cửa quyền quan liêu thì làm sao vì dân được?".