Nhiều người chạy theo tâm lí đám đông lễ hết chùa này đến chùa khác, đua nhau công đức, cúng dường rồi mặc cả với thần Phật xin xỏ trúng mánh, buôn một lãi mười, làm ăn phi pháp không bị phát hiện…
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Dương — Phó giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ:
"Theo truyền thống của người Việt, đi chùa lễ Phật để tâm được dưỡng, tu tâm, tu đức, cầu mong cho kiếp sau, kiếp luân hồi được hưởng phúc. Đến chùa thể hiện sự thanh tịnh, nét văn hóa, nó nuôi dưỡng tâm hồn con người hướng thiện trong cuộc sống, loại bỏ những tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố của cuộc sống đời thường. Vậy nên không thể nói đi lễ chùa to sẽ nhiều lộc hơn chùa nhỏ, lễ tượng phật to sẽ thiêng hơn lễ tượng phật nhỏ. Theo giáo lí thì Phật ở trong tim mỗi người, đó mới là điều quan trọng".
Nên hiểu thế nào về cúng Dường cho Phật?
Việc cúng tiền công đức hay còn gọi là tiền cúng dường Tam Bảo, trong kinh Phật, cuốn kinh Tăng chi bộ 2 của Đức Phật có chỉ ra cho phật tử: Cúng dường Tam Bảo là cúng Phật, thứ hai là cúng Pháp và thứ ba cho Tăng.
Cúng cho Phật thì người ta cúng bằng nhiều hình thức, có thể bằng tiền và tiền đó sẽ dùng để xây chùa, đúc chuông, tô tượng…
Cúng dường Tăng, ở đây Tăng, Ni là những người vào chùa tu hay còn gọi là nhà Sư, cuộc sống của họ gắn bó với nhà chùa, họ là những cầu nối giữa phật tử với đức Phật.
Các phật tử đóng góp tiền hay còn gọi là cúng dường để các tăng ni có cuộc sống hàng ngày, chuyên tâm vào việc quảng bá giáo lý nhà Phật.
Cúng dường mang ý nghĩa tốt đẹp, không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy, nhiều tiền lắm của mà quan trọng là sự hoan hỷ.
Phật cũng đã dạy những phật tử cúng dường là lan tỏa tinh thần bố thí, chia sẻ cho những người còn khó khăn, đó là giáo lí rất đẹp. Khi con người theo kiếp luân hồi tái sinh, họ sẽ được hưởng cái phúc đó.
Một điều quan trọng nữa trong kinh nhà Phật có dạy: Phật tử công đức, cúng dường cho nhà chùa phải bằng sức lao động chính đáng của mình, không được dùng những đồng tiền do làm ăn bất chính, tham nhũng.
Nếu dùng tiền bất chính, không trong sạch thì người cúng dường cũng không được hưởng phúc mà còn mang tội, ảnh hưởng đến phúc đức về sau.
Nếu người tham nhũng mang tiền đến cúng dường nhà Phật, lại mặc cả xin cho không bị bắt, xin giảm nhẹ tội thì không có trời Phật nào chứng cho chuyện đó cả.
Từ xa xưa cho đến nay không hề có việc hạn chế số tiền cúng dường, có bao nhiêu thì cúng bấy nhiêu, nhưng cốt lõi là đó phải là tiền chính đáng. Ở đây không hề có chuyện người công đức nhiều sẽ nhiều phúc hơn người công đức ít.
Nhiều người cho rằng cúng nhiều tiền thì được nhiều công đức. Nếu thật là như vậy, người nghèo làm sao cúng dường Tam Bảo? Không tiền thì không thể tích lũy công đức hay sao?
Cũng có người mang nhiều tiền của cúng dường Tam Bảo, đến khi gia cảnh sa sút lại tiếc rẻ, phải chi đừng cúng nhiều như vậy.
Những việc làm và suy nghĩ như vậy đều khiến hao tổn công đức. Công đức không nằm ở giá trị của phẩm vật cúng dường mà nằm ở cái tâm.
Nếu cúng dường mà chỉ cầu mong Tam Bảo độ trì cho mình được giàu sang, cho mình hết bệnh tật, cho mình được điều này điều kia… cũng sẽ làm hao tổn công đức.
Quan niệm cho rằng cúng nhiều tiền thì Phật được hưởng?
Theo giáo lí nhà Phật thì việc cúng đó không phải là cho Phật, Phật không nhận cái đồng tiền đó, hoàn toàn không nhận một cái gì hết.
Không phải vì không cúng dường Phật sẽ bị thiếu thốn, Phật không cần cúng dường của chúng ta. Chỉ là nhờ vào Phật mà khi cúng dường, chúng ta tích lũy được nhiều công đức.
Tâm người cúng dường mới là yếu tố quyết định lượng công đức nhiều hay ít, tâm không tham lẫn là cái tâm cần phải có khi cúng dường, vì vậy không cần nhiều tiền của vẫn có thể rộng rãi cúng dường.
Số tiền đó hoàn toàn không phải để cho Tăng, Ni làm giàu, mua sắm vật dụng đắt tiền như ô tô, xe máy… cho bản thân, muốn tiêu phung phí thế nào cũng được, cho ai thì cho, điều đó trái với giáo lí nhà Phật.
Vậy các nhà sư quản lí tiền đó như thế nào, có dùng vào đúng mục đích hay không, đó mới là vấn đề đáng phải suy ngẫm.
Dân gian có câu "tiền chùa" thì tiêu thế nào cũng được, không ai kiểm soát những đồng tiền có gắn mác tâm linh.
Đi lễ chùa hay mặc cả với thần Phật?
Thực tế ngày nay nhiều người đi đền chùa chỉ muốn cầu xin thần phật phù hộ để thi đỗ, làm quan, trúng mánh…
Thế nhưng kinh nhà Phật nói rất rõ là không có kiểu ban phát trần tục như vậy. Bỏ ra chút tiền rồimặc cả với thần Phật, nghĩ như vậy là hiểu sai về giáo lí.
Phải tích lũy nhiều công đức, người giàu công đức giúp tăng phước, tăng thọ, giúp mọi việc suôn sẻ dễ dàng, cả trong đời sống hàng ngày cũng vậy.
Thử ngẫm việc trong đời mà xem, nhiều người tài năng xuất chúng nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, đó là vì thiếu công đức. Nếu chúng ta biết cách tích lũy công đức thì việc đời, việc đạo đều sẽ rất thuận tiện suôn sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Dương — Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nói:
"Một nguyên nhân nữa có thể nói là do giáo dục về nhận thức chưa đầy đủ, giáo hội cũng chưa giáo hóa chúng sinh một cách chi tiết về cúng dường, công đức và thờ cúng. Ngay như lên chùa mà người dân thi nhau đốt vàng mã, biết là sai nhưng nhà chùa không hề nhắc nhở hoặc giải thích. Có người cúng dường cho nhà chùa với số tiền rất lớn thì liệu nhà sư có hỏi người cung tiến là số tiền đó từ đâu mà có và có phải là tiền thanh sạch hay không? Vì không có cơ chế kiểm soát nên dẫn đến một bức tranh lộn xộn trong việc cúng dường. Đấy là chưa nói đến việc một số Tăng, Ni có tính tư túi, cá nhân thì sẽ làm cho văn hóa Phật giáo ngày càng sai lệch, không đúng với triết lí của nhà phật".
Thí dụ điển hình nhất là việc một số chùa tổ chức cúng sao giải hạn, biết là sai nhưng nhiều vị trụ trì vẫn làm vì lợi nhuận.
Điều đó đã trực tiếp dẫn dắt chúng sinh đi sai con đường giáo lí của nhà Phật.
Nó đẩy xã hội đến chỗ u mê, tin vào những thế lực siêu nhiên mà quên đi mất bản tính chăm chỉ làm ăn, có làm thì mới có ăn của loài người.
"Phật đã dạy là Phật ở trong tim mỗi con người chứ không phải ở số lượng tiền công đức. Hãy cứ làm ăn chân chính, làm nhiều việc thiện, tâm tốt, giúp đỡ kẻ nghèo khó thì chúng ta sẽ được hưởng phúc. Còn có suy nghĩ cúng dường thật nhiều, mặc cả, hối lộ thần Phật để làm việc khuất tất thì làm gì có thần Phật nào ủng hộ", ông Dương chia sẻ.