Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa và công tác chuẩn bị cho Hội nghị diễn ra trong thời gian tới.
Thứ trưởng có thể cho biết ý nghĩa của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội, Việt Nam?
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai là sự kiện quốc tế được quan tâm hàng đầu hiện nay. Việc Mỹ và Triều Tiên đề nghị Việt Nam là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai và Việt Nam cũng đã đồng ý như vậy. Sự kiện này có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, qua đó, Việt Nam thể hiện là quốc gia có trách nhiệm và tích cực trong cộng đồng quốc tế, mong muốn đóng góp vào quá trình hòa bình, thể hiện đường lối của chúng ta là nâng tầm đối ngoại đa phương. Chúng ta thấy, trong nhiều năm, Việt Nam đã đi các nơi như ở Genève (Thụy Sỹ), Paris (Pháp) để lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương cũng như ở Việt Nam. Hội nghị hòa bình lớn diễn ra tại Hà Nội lần này cũng đúng vào kỷ niệm 20 năm ngày UNESCO trao danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" cho Hà Nội.
Thứ hai, qua đó, chúng ta cũng đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng quốc tế và cả hai nước khi đề nghị Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị — một đất nước an ninh, an toàn có nhiều kinh nghiệm trong quá trình phát triển, mở cửa thời gian qua và có quan hệ thân thiện, hữu nghị với các quốc gia láng giềng và các quốc gia, cộng đồng quốc tế. Một ý nghĩa rất quan trọng nữa, đây còn là dịp để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Đăng ký cho tới hôm nay (ngày 21/2) có 2.600 phóng viên quốc tế. Những người đến đây sẽ được tận mắt chứng kiến những thành tựu các mặt ở Việt Nam cũng như về đất nước và con người Việt Nam.
Việt Nam đã từng là nước đi đàm phán hòa bình, còn bây giờ Việt Nam lại là nơi tổ chức đàm phán cho hòa bình, Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa ngoại giao của việc tổ chức đàm phán hòa bình?
Trong suốt quá trình lịch sử của mình, cả trong lịch sử hàng nghìn năm cũng như cận đại, hiện đại, Việt Nam là một dân tộc rất yêu chuộng hòa bình nhưng cũng đã từng gánh chịu những cuộc chiến tranh. Hiệp định Genève năm 1954 về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương đã được ký kết tại Thụy Sỹ. Lần này, tại Hà Nội, chúng ta là nước chủ nhà, đóng góp vào vấn đề kiến tạo hòa bình cho khu vực và trên thế giới. Đó là một thay đổi rất lớn thể hiện vị thế, năng lực, đổi mới của chúng ta trong rất nhiều lĩnh vực.
Phải nói là so với việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần đầu tại Singapore thì thời gian vật chất để chúng ta chuẩn bị là rất ngắn. Ở Singapore — nước chủ nhà biết trước khoảng gần 2 tháng. Lần này, chúng ta có chưa đến 20 ngày để chuẩn bị.
Công tác chuẩn bị gồm rất nhiều nội dung như: an ninh, lễ tân, hậu cần và công tác thông tin báo chí. Lãnh đạo nước ta rất coi trọng và Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo rất sát sao về công tác chuẩn bị, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Cho tới nay, có thể nói về cơ bản các công việc chuẩn bị đã được tiến hành theo đúng tiến độ. Mỹ và Triều Tiên đều đánh giá cao, cảm ơn về công tác chuẩn bị của chúng ta. Về lễ tân, an ninh, chúng ta bàn rất sát với Mỹ và Triều Tiên để có những phương án cụ thể. Đặc biệt là về an ninh, có nhiều phương án khác nhau về vấn đề bảo vệ, các phương án dự phòng, kể cả đảm bảo an ninh an toàn mạng… Như vậy, có thể nói rất nhiều khâu công việc đã được triển khai. Về lễ tân cũng vậy, từ vấn đề địa điểm phòng họp cho tới khách sạn, nơi ở, đưa đón và tổ chức trong suốt thời gian diễn ra hội nghị…
Cho tới nay, Trung tâm báo chí đang được triển khai để đưa vào hoạt động. Chúng ta đã thực hiện việc đăng ký phóng viên, triển khai hệ thống hạ tầng cơ sở thông tin… để phục vụ các phóng viên báo chí trong và ngoài nước.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!