Đến lượt mình, Phó phát ngôn viên NATO Piers Cazalet nói rằng, NATO xem tuyên bố của Nga đe dọa các đồng minh là không thể chấp nhận được. Theo ông, NATO "không muốn có cuộc chạy đua vũ trang mới".
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ bình luận về phản ứng của Mỹ và NATO đối với tuyên bố của ông Putin, cũng như chính sách của Washington về việc triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Ông Babüroğlu nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ đang bán số lượng vũ khí lớn nhất cho các quốc gia thuộc Vịnh Ba Tư, nhưng, Washington coi đó là vẫn chưa đủ. Trump có quyết định rút ra khỏi hiệp ước INF, bằng cách này Trump châm ngòi cho giai đoạn mới của Chiến tranh Lạnh, một hệ thống quan hệ quốc tế lưỡng cực.
"Kết quả là, Nga bị siết chặt trong vòng vây của các thành viên NATO từ Bắc tới Nam. Hoa Kỳ và NATO triển khai các căn cứ quân sự và các đội quân trên lãnh thổ các quốc gia Đông Âu, bao gồm cả Ba Lan. Trên thực tế, nếu tên lửa hạt nhân tầm trung và tầm ngắn được bố trí ở các quốc gia như Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc, thì nước Nga, đang trong vòng vây của các đồng minh Mỹ, sẽ phải đối mặt với mối đe dọa thứ hai — các tên lửa sẽ triển khai sát gần biên giới Nga,- ông Babüroğlu nhận xét.
Theo ông, tình huống này được Nga đánh giá rất đúng, đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước này.
"Trong bức thông điệp gửi Quốc hội, ông Putin nhấn mạnh rằng, các nỗ lực triển khai vũ khí hạt nhân ở Đông Âu sẽ bị coi là một cuộc tấn công thù địch từ phương Tây, mà Nga sẽ không nhắm mắt làm ngơ. Nga sẽ phản ứng tương xứng. Nhà lãnh đạo Nga đã nói rõ rằng, "nếu bạn châm ngòi cho sự đối đầu, chúng tôi sẽ đánh trả", — ông Babüroğlu kết luận.
Theo ông Oymen, trong 20-30 năm qua đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc ký kết các thỏa thuận quan trọng về các vấn đề như hạn chế tên lửa tầm trung và vũ khí hạt nhân thông thường. Giờ đây, nếu một bên rời khỏi thỏa thuận thì bước đi này xóa bỏ tất cả những nỗ lực để đảm bảo hòa bình. Các bên đã mất nhiều thời gian để đi đến thỏa thuận về tên lửa tầm trung. Và việc rời khỏi thỏa thuận này, cũng như việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, có nghĩa là từ chối những tiến bộ đạt được trước đó. Lập trường như vậy không đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo hòa bình và ổn định, và sẽ chỉ có tác dụng ngược lại, ông Oymen nói.
Quyết định về những vấn đề tương tự (Hoa Kỳ rời khỏi Hiệp ước INF) nên được thảo luận trên bàn đàm phán, chứ không phải được đăng trên Twitter. Điều tương tự cũng có thể nói về vấn đề Iran: thay vì đột ngột tuyên bố rút khỏi thỏa thuận với Iran, nên ngồi vào bàn đàm phán với các nhà ngoại giao từ các nước hữu quan và thảo luận về các vấn đề hiện có, đây là chính sách ngoại giao. Nếu bạn cố gắng giải quyết các vấn đề cần được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao, bằng các cáo buộc lẫn nhau, các bước đi đơn phương hoặc qua Twitter, bạn chắc chắn sẽ giáng một đòn mạnh vào kết quả chính sách ngoại giao đã được tích lũy trong nhiều năm dài, ông Oymen kết luận.