Vào sáng ngày 24/2, ông Kim đã lên đoàn tàu hỏa bọc thép tại nhà ga Bình Nhưỡng và đã đến biên giới Việt Nam vào sáng ngày 26/2, một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều diễn ra.
Từ đây, ông Kim Jong Un cùng đoàn các quan chức tháp tùng sẽ lên xe hơi để đến thủ đô Hà Nội.
Mặc dù quãng đường đi tàu kéo dài 3 ngày của ông Kim sẽ giúp ông có cơ hội ngắm nhìn đồng quê và thành phố Trung Quốc, song nhiều chuyên gia cho rằng lý do nhà lãnh đạo Triều Tiên đi tàu hỏa một phần là vì danh dự của mình.
Năm ngoái, ông Kim đã mượn một máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Air China của Trung Quốc để đến Singapore tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa mình và ông Trump. Nguyên nhân là do chuyên cơ Il-62 có tuổi đời 40 năm của ông được xác định là không an toàn để sử dụng. Việc ông Kim phải dùng máy bay Trung Quốc vào năm ngoái cho thấy sự phụ thuộc của ông vào Bắc Kinh.
Theo ông Cheng Xiaohe, một chuyên gia về Triều Tiên của Đại học Nhân dân Bắc Kinh, lãnh đạo Triều Tiên không vui khi nhiều người đã đề cập đến việc ông quá trông cậy vào Trung Quốc.
"Ông ấy không muốn cho thế giới thấy sự phụ thuộc của mình đối với Trung Quốc bằng việc vẫy tay đám đông trước cờ Trung Quốc trên một máy bay cũng của Trung Quốc như đã làm ở sân bay Singapore", ông Cheng nói. "Di chuyển bằng tàu hỏa là lựa chọn bắt buộc với ông ấy".
Về phần mình, ông Trump đã gọi hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều ở Việt Nam là bước đi tiếp nối sau hội nghị ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Khi đó, ông Kim đã cam kết hướng đến phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên cho đến lúc này vẫn chưa có nhiều tiến triển trong quá trình này.
Ông Trump không đưa ra những hi vọng lớn lao về bước đột phá có thể đạt được với Triều Tiên, và vào ngày 24/2 ông nói ông không hối thúc Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
"Tôi không vội", ông nói. "Tôi không muốn hối thúc ai cả. Tôi chỉ không muốn có bất kỳ cuộc thử nghiệm nào. Chừng nào các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa không diễn ra, chúng tôi vẫn hài lòng".
Ông nói thêm rằng lúc này các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên vẫn được giữ nguyên. Trung Quốc trong những tháng vừa qua đã kêu gọi Liên Hợp Quốc nới lỏng một số hình thức cấm vận đối với Triều Tiên.