Chứng tỏ về điều đó là dữ liệu của JBC Energy — một trong những công ty tư vấn dầu khí lớn nhất. Sau khi Hoa Kỳ ngừng nhập dầu từ Venezuela, các nhà máy lọc dầu của Mỹ trên Bờ Đông và Vịnh Mexico đang vội vã tìm kiếm các nhà cung cấp khác, và hóa ra vàng đen của Nga là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, bây giờ họ phải mua nguyên liệu thô với giá cao hơn.
Ngay sau khi Donald Trump áp đặt lệnh trừng phạt đối với PDVSA của Venezuela, các công ty dầu mỏ của Mỹ bắt đầu tính toán thiệt hại kinh tế. Vấn đề là ở chỗ: công nghệ lọc dầu tại các nhà máy của Mỹ không cho phép chỉ sử dụng loại dầu thô nhẹ có hàm lượng lưu huỳnh thấp, mà ở Mỹ có trữ lượng lớn (trước hết, đây là WTI West Texas). Dầu thô nhẹ phải được trộn với dầu thô nặng được nhập khẩu chủ yếu từ Venezuela.
Lệnh trừng phạt của Mỹ dẫn đến việc Venezuela bị hạn chế xuất khẩu dầu thô, kết quả là trên thị trường Mỹ đang thiếu dầu thô nặng có hàm lượng lưu huỳnh cao, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được công bố vào tháng Hai.
Do đó, các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mexico và trên Bờ Đông được thiết kế để chế biến dầu thô nặng đã lâm vào tình huống khó khăn nhất và có thể ngừng hoạt động.
Trong số những công ty Mỹ đang chịu thiệt hại có những tập đoàn dầu mỏ lớn nhất: Citgo Petroleum, Valero Energy và Chevron.
Vào cuối tháng 1, Gary Simmons, phó chủ tịch cấp cao của Valero Energy Corp, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Mỹ, đã thông báo với các nhà đầu tư rằng, hiện có những lỗ hổng đáng kể trong kế hoạch cho tháng tới.
Một thay thế hợp lý đối với các nhà lọc dầu Mỹ có thể là dầu thô từ Ả Rập Saudi có thành phần hóa học tương tự như dầu Venezuela. Tuy nhiên, vào tháng 1, Ả Rập Saudi đã tuyên bố rằng họ không có ý định gia tăng sản lượng dầu chỉ vì Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Cộng hòa Bolivar. Hơn nữa, Er-Riyadh có kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô để ngăn giá dầu giảm.
Như JBC Energy của Áo lưu ý, sau khi đối mặt với tình trạng thiếu dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao, các nhà lọc dầu Mỹ bắt đầu tích cực mua dầu Urals của Nga. Khối lượng giao hàng đã đạt 100 nghìn thùng /ngày, khối lượng lớn chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng đá phiến vào năm 2011-2012.
Tuy nhiên, đây là một khối lượng khiêm tốn nếu so sánh với lượng dầu thô mà Venezuela đã cung cấp cho Mỹ (nửa triệu thùng mỗi ngày). Các nhà phân tích cho rằng, trên thị trường dầu mỏ sẽ duy trì xu hướng gia tăng lượng dầu thô Nga xuất khẩu sang các nhà máy lọc dầu của Mỹ.
Theo ông Sergei Pikin, Giám đốc Quỹ Phát triển Năng lượng có trụ sở ở Matxcơva, trong điều kiện thiếu nguyên liệu thô, các vấn đề chính trị đứng hạng thứ nhì, và yếu tố quan trọng nhất là chất lượng dầu thô — dầu nặng với hàm lượng lưu huỳnh cao. Ông Pikin cho rằng, bắt đầu từ tháng 5, lượng dầu Urals cung cấp cho Mỹ sẽ tăng mạnh.
Đến thời điểm đó sẽ hết hạn thời gian 180 ngày mà chính quyền Trump đã cấp tám quyền hạn đặc biệt để tiếp tục nhập khẩu dầu thô Iran sau khi lệnh trừng phạt được đưa trở lại, do đó nhu cầu về nguyên liệu thô của Nga sẽ tăng lên đáng kể.
Tạp chí Forbes của Mỹ nhắc nhở rằng, hàng năm Hoa Kỳ "chi hàng tỷ đô la" để mua vàng đen của Nga. Chỉ riêng năm 2017, thị phần của Nga trong tổng nhập khẩu của Mỹ là 10,075 triệu thùng /ngày, tức là gần 4%.
"Nếu tính trung bình 50 USD một thùng, thì năm 2017 Hoa Kỳ đã chi khoảng 7 tỷ USD cho dầu thô của Nga", tờ báo lưu ý.
Tình trạng thiếu hụt các loại dầu với hàm lượng lưu huỳnh cao trên thị trường quốc tế, bao gồm dầu Urals của Nga, làm tăng giá dầu nặng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc giá dầu tăng lên cũng là các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong trường hợp này là lệnh trừng phạt chống Iran.
Ông Alexei Gromov, Giám đốc Viện Năng lượng và Tài chính, cho biết: "Các nhà lọc dầu Mỹ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của các lệnh trừng phạt đối với Venezuela và Iran: hiện tại họ buộc phải mua dầu Nga với giá cao hơn, bởi vì trên thị trường có sự thiếu hụt ngắn hạn".
Tuy nhiên, theo ông, ngay sau khi thị trường dần ổn định hơn và bắt đầu bù đắp lượng dầu xuất khẩu, giá dầu sẽ giảm trở lại xuống mức trước đó. Nhưng, một sự thay đổi như vậy có thể mất vài tháng.
"Ngoài ra, nếu một cuộc xung đột quân sự nổ ra ở Venezuela và xuất khẩu dầu từ nước này giảm xuống 0, tình hình trên thị trường dầu mỏ sẽ còn trầm trọng hơn nữa. Nếu ngoài vấn đề Iran còn có thêm vấn đề Venezuela thì sẽ xuất hiện hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ — có nguy cơ giá dầu tăng mạnh", — ông Gromov giải thích.