Các hệ thống nhận diện khuôn mặt đã được sử dụng thành công ở Trung Quốc để đảm bảo an ninh, truy bắt tội phạm và giao dịch tài chính. Từ năm 2015, Bộ Công an Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa ra một dự án quy mô lớn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất cho tất cả công dân dựa trên hệ thống nhận diện khuôn mặt, sẽ có khoảng 1,3 tỷ tập tin. Được biết khi hệ thống hoạt động đầy đủ, camera thông minh sẽ có thể nhận ra bất kỳ người nào trong ba giây. Hiện tại ở Trung Quốc có khoảng 200 triệu camera giám sát. Nhưng vào năm 2020 số lượng camera giám sát sẽ tăng gấp ba lần, theo ước tính của Ihs Markit. Trên lý thuyết video từ bất kỳ camera nào cũng có thể tải vào cơ sở dữ liệu, được kết nối với hệ thống nhận dạng khuôn mặt để trích xuất thông tin cần thiết.
Cảnh sát Trung Quốc đã từng có thông báo về việc bắt giữ những tên tội phạm tham dự buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng. Hệ thống thông minh có thể nhận diện những kẻ bị truy nã từ hàng ngàn khách đến tham dự các buổi hòa nhạc. Nhận dạng khuôn mặt cũng giúp ích trong việc tìm kiếm trẻ em mất tích. Các thuật toán đang được cải thiện do ứng dụng công nghệ rộng rãi trong đời sống. Nhiều điện thoại thông minh đã hỗ trợ nhận dạng khuôn mặt để truy cập người dùng. Trong một số quán cà phê ở Trung Quốc và giao thông công cộng, bạn có thể trả tiền bằng khuôn mặt của mình. Thuật toán nhận diện và hệ thống sẽ tự động thực hiện giao dịch — thanh toán từ tài khoản của khách hàng cho hàng hóa hoặc dịch vụ.
Như vậy phạm vi ứng dụng của công nghệ nhận dạng khuôn mặt là vô cùng rộng rãi. Hơn nữa như các nhà phát triển lưu ý, thuật toán nói chung nhận diện tất cả mọi thứ: con người, động vật hoặc các vật thể vô tri. Do đó công nghệ có thể được sử dụng trong các trang trại nuôi lợn. Hơn nữa lại có sự hỗ trợ từ nhà nước. Năm ngoái Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phê chuẩn ứng dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp. Và Bộ Nông nghiệp ở Bắc Kinh lưu ý rằng các trang trại lợn trong công việc của họ nên dựa trên nguyên tắc ABCD — trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence), blockchain (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu (Data).
Chăn nuôi lợn là một ngành rất quan trọng đối với Trung Quốc. Thịt lợn chiếm gần hai phần ba tổng số thịt được tiêu thụ trong nước. Ngoài ra Trung Quốc là nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới. Theo báo NYT, chăn nuôi lợn ở Trung Quốc có tổng cộng 400 triệu con — khoảng một nửa tổng số lợn trên thế giới. Tuy nhiên virus gây bệnh dịch tả lợn ở châu Phi lây lan năm ngoái gây thiệt hại rất lớn cho chăn nuôi. Theo Tân Hoa Xã, chỉ để ngăn chặn sự lây lan của virus, gần một triệu động vật đã bị giết.
— Vincent ter Beek (@vincenttb) February 20, 2019
Các công ty công nghệ Trung Quốc đang cố gắng đóng góp phần mình trong cuộc chiến chống lại tai họa này. Alibaba, JD.com, cũng như công ty nhỏ như Yingzi Technology đang giới thiệu công nghệ nhận dạng khuôn mặt và giọng nói tại các trang trại. Thuật toán thực sự ghi nhớ mọi con lợn một cách trực quan và theo dõi hành vi của chúng. Với nhận dạng giọng nói, có thể phát hiện sớm các triệu chứng như ho, khó thở. Ví dụ nếu một con lợn đột nhiên trở nên chậm chạp, chán ăn, bắt đầu ho, hệ thống sẽ thông báo cho người nông dân để họ có thể tiến hành chẩn đoán sớm. Phát hiện sớm một loại virus nguy hiểm sẽ ngăn chặn sự lây lan, theo các công ty công nghệ.
JD.com tuyên bố hệ thống của họ, được phát triển cùng với Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh, đã áp dụng thành công tại một trang trại ở tỉnh Hà Bắc. Công ty Alibaba thì đề cập đến việc hợp tác với Tập đoàn Tequ, một công ty chăn nuôi lợn lớn tỉnh Tứ Xuyên. Tuy nhiên, như NYT lưu ý, nhiều nông dân nghi ngờ về công nghệ này vì khá tốn kém khi áp dụng. Công ty SmartAHC đã cho biết việc tạo ra một cơ sở dữ liệu hình ảnh sẽ có giá khoảng 7 đô la cho mỗi con lợn. Đây là một quá trình tốn nhiều công sức, bởi vì lợn, không giống như người, không thể chụp ảnh được rõ ràng và để hệ thống hoạt động chính xác, bạn cần tích lũy một chuỗi các video.
— Global Biodefense (@GlobalBioD) February 25, 2019
Thực hiện đánh dấu theo kiểu cũ trên tai lợn chỉ tốn có 30 xu một con. Nếu tính đến việc hiện có 26 triệu trang trại nhỏ nuôi lợn ở Trung Quốc, chúng ta không nên mong đợi việc sử dụng hàng loạt công nghệ trí tuệ nhân tạo. Mặt khác theo thời gian thì quá trình này có thể rẻ hơn đáng kể. Ví dụ như ổ đĩa flash 8 MB đầu tiên xuất hiện vào năm 2000 có giá 50 đô la, và bây giờ thường được phân phối miễn phí dưới dạng quà lưu niệm. Có thể trong tương lai gần, nhận dạng khuôn mặt sẽ tiếp cận đến mỗi người nông dân.