Vào lúc 0h00 sáng 1/3, phía Triều Tiên bất ngờ tổ chức cuộc họp báo thông tin về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ — Triều tại khách sạn Melia, Hà Nội. Chủ trì cuộc họp báo là Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho và Thứ trưởng Ngoại giao nước này, bà Cho Son-hui.
Mở đầu cuộc họp báo, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đã thông báo kết quả cuộc họp thượng đỉnh Mỹ — Triều, với việc hai bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Ngoại trưởng Ri Yong Ho khẳng định, 2 ngày họp thượng đỉnh tại Việt Nam, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề, với sự kiên trì, tin tưởng lẫn nhau, dựa trên nền tảng kết quả cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất, diễn ra ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái.
Ngoại trưởng Ri Yong Ho cho biết, Triều Tiên đã đưa ra các đề xuất "thực tế" tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, bao gồm cả việc Bình Nhưỡng dỡ bỏ hoàn toàn tổ hợp hạt nhân Yongbyon, dưới sự giám sát của Mỹ, để đổi lại việc Washington gỡ bỏ 1 phần các lệnh trừng phạt.
"Chúng tôi không yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ các lệnh cấm vận mà chỉ là một phần. Hiện tại có tất cả 11 lệnh cấm vận của Liên Hợp quốc áp đặt lên Triều Tiên. Chúng tôi chỉ đề xuất với Mỹ dỡ bỏ một phần những lệnh cấm vận này, vốn ảnh hưởng tới kinh tế và đời sống của người dân. Chúng tôi đã đề xuất dỡ bỏ 5 lệnh cấm vận, được ban hành từ năm 2016 — 2017. Chúng tôi đã đưa ra đề xuất về những biện pháp phi hạt nhân hóa lớn nhất mà chúng tôi có thể đưa ra với phía Mỹ tại thời điểm này, dựa trên tương quan của sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau", ngoại trưởng Ri Yong Ho thông tin.
Ngoại trưởng Triều Tiên nhấn mạnh, mặc dù việc đảm bảo an ninh là điều quan trọng nhất đối với nước này khi mà bắt đầu các bước phi hạt nhân hóa, Bình Nhưỡng cũng hiểu rằng rất khó để Mỹ dừng hẳn các cuộc diễn tập quân sự chung với phía Hàn Quốc. Đó là lý do vì sao Triều Tiên đã đề xuất việc dỡ bỏ từng phần cấm vận tương ứng với hoạt động giải trừ hạt nhân.
Trong suốt cuộc gặp thượng đỉnh này, Triều Tiên đã nhấn mạnh đề xuất về một cam kết bằng văn bản dừng vô thời hạn các cuộc thử hạt nhân và thử nghiệm tên lửa tầm xa, để giúp Mỹ giảm bớt các mối quan ngại. Nếu Mỹ — Triều Tiên có thể hợp tác trong suốt quá trình xây dựng lòng tin này, việc phi hạt nhân hóa sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.
Tuy nhiên, trong suốt các cuộc họp, Mỹ luôn nhất quyết rằng Triều Tiên phải thực hiện bước đi đầu tiên là phá hủy tổ hợp Yongbyon, để xây dựng lòng tin. Điều đó rõ ràng cho thấy Mỹ chưa sẵn sàng chấp nhận đề xuất của Triều Tiên. Theo Ngoại trưởng Ri Yong Ho, rất khó để thêm một cơ hội rõ ràng cho Mỹ và Triều Tiên như tại thượng đỉnh ở Thủ đô Hà Nội và Bình Nhưỡng sẽ giữ vững các đề xuất của mình trong các cuộc đàm phán với Mỹ trong tương lai.
Trước đó, vào chiều qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có buổi họp báo về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ — Triều, cho biết ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có một cuộc đối thoại tốt đẹp và mang tính xây dựng, nhưng hai bên không thể đi đến một thỏa thuận nào do những bất đồng về vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Triều Tiên./.