Vụ tai nạn xảy ra khoảng 11 giờ 40 ngày 1-3, tại km108+600 quốc lộ 4D thuộc thôn Sa Pả, xã Sa Pả (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai).
Đòi bồi thường mới cho khám nghiệm
Thời điểm trên, Hạng A Câu (15 tuổi, trú tại xã Sa Pả) điều khiển xe máy lưu thông theo hướng Lào Cai — Sa Pa. Quá trình này, chiếc xe máy xảy ra va chạm với một ô tô 5 chỗ đang đi ngược chiều, khiến thiếu niên tử vong tại chỗ.
Ngay sau đó, người nhà nạn nhân đã kéo đến hiện trường, yêu cầu tài xế ô tô phải bồi thường 400 triệu đồng mới cho cơ quan chức năng vào khám nghiệm hiện trường, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Thương lượng một hồi, tài xế ô tô phải bồi thường 200 triệu đồng cho người nhà nạn nhân để về làm mai táng.
Do người dân kéo ra đông, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra khá nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã phải tăng cường lực lượng để thuyết phục, vận động người dân và tiến hành phân luồng giao thông, xử lý vụ tai nạn.
Đến 18 giờ cùng ngày, việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi mới kết thúc. Các phương tiện được đưa về trụ sở cơ quan công an, giao thông trên đoạn đường trở lại bình thường.
Bên nào sai bên đó phải bồi thường
Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Sơn, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai, cho biết hiện tỉnh này đã giao cho Công an huyện Sa Pa khám nghiệm hiện trường, điều tra theo đúng qui định của pháp luật để xác định lỗi vi phạm thuộc về ai.
Cùng với đó, ông Sơn cho rằng cần xác định số tiền 200 triệu đồng mà tài xế ô tô đã đưa cho người nhà nạn nhân là tiền gì, theo qui định nào? "Quan điểm của tỉnh là có thể hỗ trợ cho gia đình nạn nhân tử vong, ví dụ khi xảy ra TNGT thì sẽ có bảo hiểm, chế độ chính sách… Còn theo quy định pháp luật, bên nào sai thì phải bồi thường, không có chuyện ép lái xe ô tô phải bồi thường", ông Sơn nói.
Hiện tại, việc xác định lỗi thuộc về ai còn chưa rõ, do vậy tạm thời có thể giải quyết bằng việc ứng tiền cho người dân (tài xế ô tô đưa 200 triệu đồng — PV). Tiếp đó, cơ quan chức năng phải điều tra, làm rõ cũng như tuyên truyền vận động người dân và có biện pháp giải quyết; nếu tài xế ô tô đi đúng thì gia đình nạn nhân phải trả lại số tiền.
Cũng theo ông Sơn, trong vụ việc này, Công an huyện Sa Pa giải quyết về tình thì được nhưng về lý còn nhiều vấn đề phải xem xét.
Cụ thể, khi xảy ra tai nạn, công an cần khoanh vùng, bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông để tránh ùn tắc. Lực lượng tại hiện trường cũng cần báo cáo ngay với tổng chỉ huy, Ban ATGT để có phương án.
"Đây là vụ tai nạn đầu tiên mà người dân kéo đến đòi bồi thường và công an có lúng túng trong khi xử lý", ông Sơn nhận định.
Đại diện Ban ATGT tỉnh Lào Cai cho biết thêm lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ, họp với Công an huyện Sa Pa để có hướng giải quyết; đồng thời giao cho UBND huyện Sa Pa trực tiếp làm việc với người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng…
Có là thỏa thuận dân sự?
LS Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng để có căn cứ xử lý trong vụ tai nạn nói trên thì cần xác định lỗi của các bên vi phạm. Trường hợp lái xe ô tô không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó, việc bồi thường dân sự do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được sẽ đưa ra tòa án giải quyết.
"Quan trọng là lái xe ô tô và gia đình đã thỏa thuận bồi thường ngay 200 triệu đồng trước sự chứng kiến của cơ quan pháp luật", LS Thơm nói.
Theo LS Thơm, nếu gia đình nạn nhân yêu cầu tài xế ô tô bồi thường mà anh ta không đồng ý, sau đó sử dụng vũ lực để đe dọa, bắt ép trả tiền thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ có dấu hiệu phạm tội cướp tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản.
Đối với một số người dân say rượu, có hành vi quá khích, nếu gây mất trật tự, cản trở việc đưa thi thể ra khỏi hiện trường, cản trở quá trình điều tra giải quyết TNGT thì tùy theo tính chất, mức độ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về tội chống người thi hành công vụ.