Một người dân khu vực cầu Ông Nguyên cho biết: "Tôi là người dân sống ở đây hơn 15 năm qua, cây cầu này trước đây không có tên cụ thể, người dân hay gọi là cầu Đình (vì ở đầu cầu có cái Đình) hay cầu Ông Côn, vì ông Côn là người cao niên ở đây, hơn nữa, nhà ông Côn cũng ở cạnh bên cây cầu này, thậm chí dòng sông này cũng được người dân hay gọi là sông Sáu Côn".
Ông Huỳnh Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình xác nhận: "Trước đây, cầu cũ không có tên gọi cụ thể, sau khi cầu mới xây dựng xong được đặt tên tạm là cầu Ông Nguyên vì đất của ông Nguyên, Phó Chủ tịch xã chạy dài tới đường kênh chỗ cây cầu, mới lấy tạm tên ông Nguyên để mọi người gọi cho biết, chứ thật sự không phải tên đó. Hơn nữa, vì nhà ai gần đó, thì người ta kêu vậy thôi", ông Phong lý giải.
Ông Huỳnh Văn Tính, Trưởng phòng Kinh tế — Hạ tầng huyện Hòa Bình cho biết, cầu Ông Nguyên thuộc công trình đầu tư lộ giao thông nông thôn hàng năm của huyện, do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng các công trình cơ bản của huyện làm chủ đầu tư, với tổng số vốn trên 900 triệu đồng (nguồn vốn từ ngân sách của huyện). Công trình được hoàn thành vào trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Cầu Ông Nguyên được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có bề rộng 4,4m; chiều dài là 22m, với tải trọng thiết kế là 3 tấn. Việc đặt tên cầu không thuộc quyền của Phòng kinh tế — Hạ tầng huyện.
Việc lấy tên một vị Phó chủ tịch UBND xã còn đương nhiệm, tuổi đời còn rất trẻ đặt tên cầu khiến nhiều người ngỡ ngàng tưởng rằng ông này đã chết, hoặc có nhiều công trạng đối với địa phương.