Đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại: Không quản được, đẩy khó cho dân

© Sputnik / Taras IvanovHà Nội
Hà Nội - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Đề xuất của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về việc những người mất bằng lái xe sẽ phải thi lại toàn bộ đang tạo ra “cơn bão” tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều từ người dân, chuyên gia, theo thanhnien.

Cụ thể, tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 6.3, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết để giải quyết những bất cập trong việc cấp giấy phép lái xe, Bộ GTVT đang đề xuất "phương án những người mất bằng lái xe sẽ phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng lợi dụng nhằm có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3 để hoạt động kinh doanh".

Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể - Sputnik Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “Xử lý tổng thể bài toán BOT trong năm 2019”
Lý giải cho đề xuất này, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái — Tổng cục Đường bộ VN cho rằng hiện dữ liệu giấy phép lái xe được tổng cục lưu trữ bằng hệ thống phần mềm điện tử. Nếu mất bằng lái xe, người dân chỉ cần mang bằng lái gốc hoặc chứng minh thư/căn cước công dân ra các đơn vị để đề nghị cấp lại, lệ phí cấp lại giấy phép lái xe là 135.000 đồng/lần.

Theo Thông tư liên tịch 01 của Bộ Công an — Bộ GTVT phối hợp cung cấp số liệu vi phạm, CSGT sẽ gửi các vi phạm của người lái xe sang Tổng cục Đường bộ cập nhật. Hệ thống phần mềm quản lý giấy phép lái xe của ngành đường bộ có cả phần mềm quản lý vi phạm bằng lái…

Lý thuyết là vậy, tuy nhiên đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái thừa nhận hiện tại việc liên thông dữ liệu chưa đầy đủ. Nguyên do phía CSGT mới gửi dữ liệu các trường hợp bị tước bằng lái mà chưa cập nhật đầy đủ các trường hợp tạm giữ có thời hạn. Nhiều trường hợp tạm giữ giấy phép lái xe do vi phạm có thời hạn 1 — 2 tuần nhưng lái xe không đến nộp phạt lấy lại bằng, mà giả mất bằng lái đến cơ quan đường bộ để xin lại. Thậm chí, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải lái xe giả mất bằng để xin cấp lại.

"Đề xuất trên của Bộ trưởng GTVT nhằm mong muốn quản chặt tình trạng này, hạn chế đối tượng giả mất bằng hoặc bị tạm giữ bằng cố tình khai sai để xin cấp lại. Tuy vậy, đây mới là đề xuất, có thể Bộ sẽ giao cho các cơ quan tham mưu nghiên cứu các vấn đề về pháp chế, quy định. Ngành giao thông cũng đang xây dựng quy chế phối hợp để lực lượng CSGT cập nhật luôn các vi phạm bằng phần mềm, liên thông thông tin hai ngành để thuận tiện quản lý", vị này thông tin.

Lãng phí thời gian, tiền bạc của dân

Bình luận về đề xuất gây nhiều tranh cãi của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải VN (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN), cho biết trước đây đã có quy định khi mất giấy phép lái xe thì người mất phải chờ 1 tháng (kể từ ngày nộp đơn trình báo mất và xin cấp lại bằng lái) để lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh xem mất thật hay do vi phạm bị thu giữ bằng lái.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể - Sputnik Việt Nam
Mất giấy phép lái xe phải thi lại: "Thật vô lý!"

Tuy nhiên, sau đó trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, có ý kiến cho rằng quy định này gây khó khăn cho người dân, nên đã bãi bỏ. "Bây giờ lại đưa ra đề xuất, các trường hợp mất bằng lái xe đều buộc phải thi lại để cấp bằng mới sẽ rất khó cho những người bị mất thật. Trong khi người dân vừa bị mất tài sản, giấy tờ lại bị làm khó thêm lần nữa, bị buộc phải thi lại để cấp GLPX, gây lãng phí thời gian và kinh phí", ông Quyền nói.

Đồng quan điểm, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức (Trường đại học Việt Đức), đánh giá việc yêu cầu cá nhân mất bằng lái xe phải thi lại từ đầu vừa không có ý nghĩa về mặt quản lý, vừa gây khó khăn cho những người mất bằng thật sự. Lý do, dù một người có một hay nhiều bằng lái thì vẫn chỉ có một mã số, một thông tin bằng lái duy nhất trong hệ thống phần mềm quản lý chung. Khi người đó bị giữ bằng lái, nếu phần mềm cập nhật đầy đủ, thì việc đưa ra bằng lái khác lúc vi phạm cũng vô ích.

"Với trường hợp mất bằng mà tìm lại được phải mang đến nộp lại để cơ quan chức năng tiêu hủy. Trường hợp phát hiện một người dùng nhiều bằng lái thì phải phạt thật nặng", ông Tuấn đề xuất.

Cần giải quyết từ gốc

Giải pháp khắc phục tình trạng một số người báo mất giả để xin cấp lại giấy phép lái xe, theo ông Nguyễn Văn Quyền chỉ cần tăng cường phối hợp sự quản lý giữa bộ GTVT và công an, áp dụng công nghệ thông tin xây dựng phần mềm liên thông dùng chung giữa 2 ngành. Chính phủ nên chỉ đạo lực lượng chức năng, nhất là lực lượng CSGT cập nhật đầy đủ, kịp thời các trường hợp bị thu giữ bằng lái về cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe đã được Tổng cục Đường bộ chuyển giao công nghệ trước đó.

Tài xế trả tiền lẻ tại trạm thu phí BOT - Sputnik Việt Nam
7 tài xế bị bắt với cáo buộc gây rối, phản đối thu phí ở BOT Phả Lại
Khi ngành giao thông tiếp nhận đơn trình báo mất giấy phép lái xe để xin cấp lại của người dân thì bộ phận cấp giấy phép lái xe sẽ tra cứu dữ liệu, nếu hợp lệ thì thực hiện cấp lại theo quy định. "Bất cập và lỏng lẻo nằm ở sự phối hợp của các lực lượng chức năng thì phải chỉnh đốn lại khâu này. Không thể vì một sự phối hợp chưa chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước mà đẩy phần khó về cho người dân", ông Quyền nói.

TS Vũ Anh Tuấn cho rằng Bộ GTVT cần thay đổi hoàn toàn từ hình thức đến nội dung đào tạo, thi sát hạch giấy phép lái xe. Dẫn số liệu từ một khảo sát do Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức thực hiện năm 2018, ông Tuấn cho biết trong 100 người được khảo sát chỉ có 20 người nhớ được các quy định về luật giao thông đường bộ. Các kỹ năng nhận định tình huống nguy hiểm và ý thức tuân thủ quy định cũng như nhận thức hợp tác giữa các phương tiện trên đường rất kém. Đây là 3 nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông tràn lan, phổ biến như hiện nay.

Trong khi đó, công tác đào tạo, sát hạch lại thiếu khoa học, chỉ mang tính chất đối phó. Cụ thể, về hình thức, thay vì học viên phải lên lớp học lý thuyết đầy đủ, bài bản thì cơ sở đào tạo chỉ phát cho cuốn tài liệu về tự học thuộc lòng, lên thi kiểu đối phó. Về nội dung, các bài học lý thuyết quá nhiều, khô khan khiến người học chỉ có thể học vẹt, khó học khó nhớ. Vấn đề quan trọng nhất là giáo dục ý thức, đạo đức, tư duy của người tham gia giao thông thì lại bỏ trống hoàn toàn. Trong khi các bài thực hành thì sơ sài, chỉ dừng lại ở các kỹ năng sơ đẳng, kiểm soát xe trong các tình huống không thật (1 mình 1 xe), học viên không được chuẩn bị đầy đủ về cả kỹ năng và tâm lý để giải quyết hàng ngàn tình huống bất ngờ xảy ra trên đường thật.

"Cần cải cách hoàn toàn công tác đào tạo, giám sát, sát hạch giấy phép lái xe. Chương trình học phải chú trọng đến đào tạo ý thức, văn hóa giao thông và cung cấp đầy đủ kỹ năng cho người điều khiển phương tiện, thông qua các phương thức học sáng tạo, dễ học, dễ nhớ. Chỉ khi người học thay đổi được nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa giao thông, về lợi ích thật sự của việc học để thi giấy phép lái xe thì tai nạn giao thông và vấn nạn bằng giả mới có thể giải quyết được", ông Tuấn khẳng định.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала