Năm 2018 đã có 97 bác sĩ nghỉ việc, còn trong đầu năm 2019 có 18 bác sĩ nghỉ việc. Điều này khiến tư lệnh ngành y tế tỉnh Đồng Nai lo lắng về nguy cơ "vỡ trận" bác sĩ bệnh viện công.
Nguy cơ "vỡ trận" bác sĩ bệnh viện công
Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trong năm 2018 đã có 97 bác sĩ nghỉ việc. Trong đó có 20 bác sĩ của BVĐK Thống Nhất và 32 bác sĩ của BVĐK Đồng Nai, 8 bác sĩ của bệnh viện Nhi. Số 97 bác sĩ này có 23 người có trình độ sau đại học. Năm 2017 số bác sĩ nghỉ việc cũng tương đương và nhiều người trong đó có trình độ CKI (chuyên khoa 1), CKII (chuyên khoa 2), thạc sĩ… Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay cũng đã có 18 bác sĩ nghỉ việc. Theo tìm hiểu, đa số các bác sĩ đã chuyển sang làm việc tại bệnh viện tư có thu nhập cao hơn. "Tình hình rất đáng báo động, chúng ta cần có biện pháp hữu hiệu để chặn dòng chảy chất xám này" — GĐ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ khẳng định.
Bác sĩ Đ.V.S — người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện công và bệnh viện tư — tại địa bàn tỉnh Đồng Nai chia sẻ: "Từ khi rời bệnh viện công sang bệnh viện tư tôi thấy công việc thoải mái hơn, tập trung vào chuyên môn nhiều hơn khi không còn gặp phải các "vấn đề" khó khăn tại bệnh viện công". Theo bác sĩ S, một nguyên nhân lớn là do các bác sĩ nhận thấy làm việc tại bệnh viện Nhà nước lương thấp lại phải "bon chen" nhiều, nên chuyển ra bệnh viện tư nhân được trả lương cao gấp 3 lần.
Bác sĩ CKII Lê Thị Phương Trâm — PGĐ BVĐK Đồng Nai — cho biết: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có khoảng 300 y, bác sĩ. Trong đó, số người làm từ 2-5 năm, chiếm 40%; số người làm từ 6 năm trở lên, chiếm 20%; mức lương bình quân hiện nay từ 9-15 triệu đồng. Trong năm 2018, có 32 bác sĩ nghỉ việc, trong đó có 3 phó khoa, 8 bác sĩ có trình độ thạc sĩ. Riêng năm 2019 đã có 6 bác sĩ nộp đơn xin nghỉ và trong đó có bác sĩ trình độ CKI. BS Trâm bức xúc: Hiện nay các bác sĩ có từ 2-5 năm sau khi làm việc tại bệnh viện công, khi được đào tạo có chứng chỉ hành nghề hoặc khi học xong CKI thường nghỉ việc ngay do có sự mời gọi của các bệnh viện tư nhân. Còn các phó khoa nghỉ việc để sang bệnh viện tư nhân làm việc ở vị trí cao hơn là trưởng khoa. "Chúng tôi đã tổ chức một cuộc khảo sát và thống kê cho thấy: Có tới 70% bác sĩ hiện nay mong muốn mức lương tăng lên từ 20-25 triệu đồng mới đủ sống, có 20% số bác sĩ mong muốn mức lương tăng lên từ 25-30 triệu đồng. Do đó, mức dao động để bác sĩ đảm bảo làm việc tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai là khoảng 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nguồn tài chính để tăng lương cho bác sĩ là chưa có giải pháp" — BS Trâm nói.
Để hạn chế tình trạng "chảy máu" chất xám này, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang tìm cách mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động, khám chữa bệnh ngoài giờ, khám chữa bệnh theo yêu cầu, mổ ngoài giờ nhằm có nguồn thu để tăng thu nhập cho bác sĩ. Ngoài ra, thu hút tăng bệnh nhân về bệnh viện, mới tăng nguồn doanh thu, muốn vậy thì bệnh viện cũng phải nâng cao hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ đối với bệnh nhân.
Mũi "đinh ba" ngăn chặn bác sĩ từ công sang tư
TS-BS CKII Phạm Văn Dũng — GĐ BVĐK Thống Nhất — thẳng thắn cho biết: Không chỉ bác sĩ mà cả những điều dưỡng giỏi cũng bị lôi kéo, vừa rồi mười mấy điều dưỡng giỏi, có mười mấy năm kinh nghiệm cũng bỏ đi. Khi chúng ta đào tạo được một bác sĩ tốt, có năng lực giỏi thì ngay lập tức bị rủ rê, và hiện nay ở các bệnh viện tư nhiều bác sĩ do chúng ta đào tạo. Họ bỏ bệnh viện công sang tư vì thu nhập cao hơn, sống thoải mái hơn, không phải lo phát triển bệnh viện. Do đó, Sở Y tế cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, có biện pháp khống chế không để bệnh viện tư lôi kéo hết các bác sĩ giỏi. Và phải áp dụng khoán tập thể và cả khoán cá thể.
GĐ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ nêu ra một thực tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở bệnh viện công tốt hơn bệnh viện tư, cơ hội thăng tiến sự nghiệp cao hơn, nhưng các bác sĩ vẫn chuyển sang bệnh viện tư.
Để ngăn chặn tình trạng "chảy máu" chất xám từ bệnh viện công sang tư, GĐ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã cho phép 3 bệnh viện công, có cơ chế tự chủ là BVĐK Đồng Nai, BVĐK khu vực Long Khánh và BVĐK Thống Nhất được thí điểm thực hiện khoán việc cho bác sĩ và khuyến khích các bệnh viện khác thực hiện. Đây được coi là "mũi đinh ba" chủ lực của ngành y tế Đồng Nai sẽ thực hiện việc áp dụng thực tế tại từng bệnh viện theo từng mô hình sáng tạo cụ thể. Để từ đó, mô hình nào hoạt động hiệu quả, giữ chân được bác sĩ sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh.
Ông Phan Văn Huyên — GĐ BVĐK khu vực Long Khánh — cho biết cách khoán cụ thể: Bác sĩ nhận điều trị bệnh nhân từ lúc nhập viện tới lúc xuất viện, tổng kinh phí điều trị của bệnh nhân sau khi trừ chi phí ra còn lại bao nhiêu thì có cơ chế cụ thể quy ra bác sĩ được hưởng bao nhiêu phần trăm, bệnh viện bao nhiêu phần trăm.
"Như vậy, bác sĩ sẽ bám sát bệnh nhân từ đầu tới khi ra viện, có trách nhiệm với bệnh nhân hơn, chứ hiện nay bệnh nhân nằm viện cũng không biết ai là bác sĩ điều trị cho mình" — ông Huyên cho biết.
Nếu khoán, lương bác sĩ sẽ tăng lên, do đó bác sĩ cũng tự động tìm hiểu nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ tiếp xúc, xây dựng thương hiệu cho mình. Từ đó góp phần thu hút nhiều bệnh nhân tới bệnh viện, thu nhập bệnh viện cũng nhiều hơn.
Cần bỏ tư tưởng ban cho đối với bệnh nhân
Ông Phan Huy Anh Vũ — GĐ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai — cho biết: Việc áp dụng mô hình gì thì cũng để cuối cùng bệnh nhân hưởng lợi, để bác sĩ không đuổi bệnh nhân nữa, không cằn nhằn bệnh nhân nữa. GĐ Vũ dẫn chứng một trường hợp, bệnh nhân sốt, xin nằm cấp cứu ở một bệnh viện công ở Đồng Nai nhưng bác sĩ nói là không sốt đi về, ra phòng khám. Đó là tư tưởng ban cho không cần bệnh nhân.
"Chúng ta không thay đổi cách nhìn của bác sĩ, chúng ta không gắn liền lợi ích bệnh viện với túi tiền của bệnh nhân thì chúng ta không bao giờ thành công. Có cơ sở có máy móc hiện đại, có nguồn lực nhưng bác sĩ không muốn có nhiều bệnh nhân, vì khám nhiều cực, còn bệnh viện tư nhân họ ý thức được nếu không khám cho bệnh nhân thì sập tiệm, thất nghiệp" — GĐ Vũ cho biết.