Năm ngoái, chỉ riêng ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ đã có 84 trang trại nộp đơn xin phá sản. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2007.
"Mức độ phá sản ở ba khu vực Mỹ, nơi có các tiểu bang với hình thức phát triển kinh tế là nông trại, đã tăng lên mức kỷ lục trong 10 năm qua. Số đơn xin phá sản ở Illinois, Indiana và Wisconsin đã tăng gấp đôi so với năm 2008, tờ Wall Street Journal viết. Trong khu vực số 8 bao gồm các tiểu bang từ Bắc Dakota đến Arkansas, số vụ phá sản tăng 96%. Ở khu vực số 10 bao gồm cả tiểu bang Kansas, năm ngoái số vụ phá sản đã tăng thêm 59% so với 10 năm trước.
Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Sonny Perdue nhận định rằng, một trong những nguyên nhân chính của làn sóng phá sản ở Trung Tây là gánh nặng nợ nần sánh được với cuộc khủng hoảng nông nghiệp hồi những năm 1980.
"Nợ nông trại đã và đang gia tăng nhanh chóng trong 5 năm qua, tăng 30% kể từ năm 2013 — tăng từ 315 tỷ USD tới 409 tỷ USD. Và chỉ trong năm ngoái đã tăng từ 385 tỷ USD tới mức được thấy trong thập niên 1980", — Reuters dẫn lời Bộ trưởng.
Các chuyên gia lưu ý rằng, phần lớn các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ sẽ không thể trả nợ. Hơn một nửa người nông dân đang trong tình cảnh thua lỗ, phần còn lại không có thu nhập hoặc thu được lợi nhuận rất thấp.
Do cuộc khủng hoảng thừa nông sản, những người nông dân buộc phải bán sản phẩm dưới giá thành. Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn một năm trước, sau khi Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Washington đã áp đặt thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm, còn Bắc Kinh — đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Các nhà sản xuất đậu nành và ngô bị thiệt hại nhiều nhất, trong nhiều thập kỷ liền họ đã cung cấp các nông sản này cho thị trường Trung Quốc. Nếu trước đây đậu tương chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mỳ, gạo, ngô và đậu tương của Mỹ, thì bây giờ việc giao hàng gần như dừng lại vì Trung Quốc áp thuế trả đũa 25% đối với đậu tương nhập khẩu từ Mỹ.
Năm ngoái, nông dân Mỹ đã trồng 89,1 triệu ha đậu tương (gấp đôi so với năm 2017), và do ngừng xuất khẩu, giá các kho chứa đã tăng 40%.
Và thậm chí với mức giá cao như vậy, các kho chứa đã được lấp đầy, nông dân buộc phải cất kho hầu hết số đậu tương và chôn vùi vụ mùa còn lại. Một số người chỉ đơn giản để đậu nành trên cánh đồng.
Trước đây Trung Quốc không chỉ là nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất từ Mỹ, mà còn là nhà nhập khẩu thịt lợn, các sản phẩm từ sữa lớn nhất. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, khối lượng xuất khẩu thịt lợn đã giảm 8% và giá trị xuất khẩu giảm 12% xuống 538,7 triệu USD.
Các nhà sản xuất sữa thậm chí còn khó khăn hơn: Trump đã chấm dứt các thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico, do đó ngành sữa đã mất thị trường giá trị hơn 3 tỷ USD. Vào năm ngoái Trung Quốc đã mua các sản phẩm sữa của Mỹ với giá 576 triệu USD, nhưng, bây giờ đã ngừng mua.
Hơn nữa, sự cạnh tranh với các công ty châu Âu đã trở nên căng thẳng hơn: sau khi Nga áp dụng lệnh cấm vận thực phẩm từ những nước áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, các công ty châu Âu đang xâm nhập vào những thị trường mới và đang cạnh tranh thành công với người Mỹ ở nhiều quốc gia.
Kết quả là, lượng sữa "thừa" ở Hoa Kỳ lên mức 8 triệu tấn — nông dân phải đổ sữa ra đất. Chỉ riêng ở Wisconsin, hơn 400 trang trại bò sữa đã đổ bỏ tổng cộng 160 triệu tấn sữa vì không thể bán ra được.
Theo ước tính của Hiệp Hội Xuất Khẩu Bơ Sữa Hoa Kỳ (USDEC), trong 5 năm tới, các nhà sản xuất sữa của Mỹ sẽ mất 16,6 tỷ USD do thuế quan mới của Trung Quốc.
Đầu tháng 2, nông dân Mỹ đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Washington yêu cầu chấm dứt chiến tranh thương mại đã gây ra thiệt hại lớn và có thể đưa nước Mỹ đến bờ vực khủng hoảng lương thực.
"Nhiều trang trại đã ngừng hoạt động và bị phá sản do cuộc chiến thương mại này", các thành viên của Phong trào"Người nông dân ủng hộ tự do thương mại" hướng tới ông Trump. "Ngoài ra, những người nông dân buộc phải tiến hành những cuộc đàm phán khó khăn với các chủ nợ".
Không có gì ngẫu nhiên, vấn đề thuế quan nông nghiệp đã trở thành một trong những chủ đề chính tại cuộc đàm phán thương mại Mỹ —Trung.
Tuy nhiên, mặc dù Tổng thống Mỹ phô trương sự lạc quan trên Twitter, ông vẫn không thể thuyết phục các đồng nghiệp Trung Quốc để họ mua trở lại thực phẩm Mỹ.
Theo ước tính của ông Robert Johansson, kinh tế gia trưởng của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, năm nay khối lượng xuất khẩu thực phẩm sẽ giảm thêm 1,9 tỷ USD.
Các đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả Nga, đang vội vàng chiếm đóng thị phần đậu nành bị bỏ trống. Một ví dụ là công ty nông nghiệp "Partizan" ở Vùng Amur nằm cách biên giới Nga-Trung 20 km.
Trong cuộc phỏng vấn của WSJ, Tổng giám đốc công ty "Partizan" Viktor Silokhin khoe rằng, vì có nhu cầu cao về đậu nành, trang trại — nông trang tập thể cũ — đã thu hoạch vụ mùa lớn nhất trong toàn bộ lịch sử 90 năm. Nếu trước đây họ phải gửi sản phẩm đến một nhà máy chế biến ở Irkutsk cách nông trại hơn 3 nghìn km, thì bây giờ đậu nanh đang có nhu cầu lớn chưa từng thấy tại nhà máy ép dầu địa phương.
Theo Oleg Turkov, Bộ trưởng Nông nghiệp của vùng Amur, trong tương lai gần, khu vực này sẽ tăng gấp đôi sản lượng đậu tương (lên 2 triệu tấn mỗi năm) và sẽ tiếp tục cung cấp cho Trung Quốc. Một bước đột phá như vậy có thể đạt được phần lớn nhờ vào các nhà đầu tư đã đến Vùng Amur định hướng xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc.