Điều này được nêu trong bức thư của Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell gửi tới Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia nói lên ý kiến rằng, Washington vẫn tiếp tục tấn công vào vị trí hàng đầu của Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ cao, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về khả năng ký kết một thỏa thuận về vấn đề thương mại.
Xét theo tài liệu mà tờ Wall Street Journal trích dẫn, Đại sứ Grenell nhấn mạnh rằng, sự hợp tác với tập đoàn Trung Quốc "tạo ra mối đe dọa đối với những thông tin liên lạc nhạy cảm" giữa Mỹ và các đồng minh. Nhà ngoại giao cũng yêu cầu Đức để Huawei hoặc ZTE do chính phủ Trung Quốc kiểm soát không tham gia vào việc xây dựng các hệ thống liên lạc có tầm quan trọng lớn đối với tình báo.
Trong bài bình luận cho Sputnik, ông Andrei Karneev, Phó Giám đốc Viện các nước Á-Phi thuộc Đại học quốc gia Matxcơva, lưu ý rằng, bản thân việc đại sứ Mỹ hướng tới bộ trưởng Đức cho thấy rõ rằng, Hoa Kỳ muốn lôi cuốn các đồng minh gần gũi nhất trong NATO vào chiến dịch gây áp lực với Trung Quốc. Mặt khác, việc Mỹ đang gây áp lực chưa từng có và ngày càng tăng với Trung Quốc cho thấy rằng, Washington tiếu tin tưởng vào việc các đồng minh đã sẵn sàng tham gia vô điều kiện vào cuộc đối đầu Mỹ-Trung và gây hại cho lợi ích của quốc gia mình. Rõ ràng, bức thư này đã xuất hiện sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rằng, Huawei có thể tiếp tục tham gia xây dựng mạng lưới viễn thông 5G ở Đức. Song, bà Merkel đưa ra một điều kiện: nếu Huawei muốn tiếp tục tham gia cung cấp thiết bị viễn thông cho mạng 5G, tập đoàn này phải chứng minh được rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ không thể lấy cắp dữ liệu do các thiết bị của Huawei thu thập.
Gần đây, Cơ quan Mạng Liên bang Đức đã công bố danh sách các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho mạng lưới 5G của Đức. Trong danh sách này không có biện pháp nào nhắm vào Huawei. Điều này cho thấy rằng, chính quyền Đức chưa đưa ra quyết định về sự tham gia của tập đoàn Trung Quốc trong dự án xây dựng mạng lưới 5G. Xét theo mọi việc, các đối tác châu Âu khác của Huawei cũng sẽ đối mặt với áp lực từ phía Mỹ. Reuters trích một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rằng, Washington đang vận động ở châu Âu để các nước châu Âu từ chối sử dụng thiết bị Huawei khi xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới 5G.
Chuyên gia Andrei Karneev nhận định rằng, Washington đang thể hiện sự lo lắng và gia tăng áp lực lên các đồng minh bởi vì Mỹ khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.
Theo chuyên gia Trung Quốc Wang Xiaofeng từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Fudan (Thượng Hải), Hoa Kỳ cố tình công khai hóa các cuộc tranh luận với Đức để gây ảnh hưởng tới Berlin.
Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo này để công khai hóa các cuộc thảo luận hoặc tham vấn nội bộ hiện đang diễn ra ở Đức. Đây là mục tiêu của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cho rằng, nếu Đức sử dụng các thiết bị của Huawei để xây dựng mạng không dây thế hệ mới 5G thì điều đó sẽ làm suy yếu khả năng truyền thông tin tình báo trong NATO, đây là logic của Hoa Kỳ.
Theo chuyên gia Wang Xiaofeng, trong tình huống này Washington muốn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của mình trong thế giới phương Tây.
Hoa Kỳ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc sử dụng các sản phẩm của Huawei là không thể chấp nhận được. Trước hết bởi vì các thiết bị của Huawei gây hại cho hoạt đng của các cơ quan tình báo. Thứ hai, các quốc gia khác cũng như bản thân nước Mỹ đều công nhận rằng, Hoa Kỳ đóng vai trò lãnh đạo trong thế giới phương Tây, và trên hết là trong NATO. Do đó, Hoa Kỳ không chấp nhận tình hình khi các đồng minh quan trọng nhất không "nghe lời" Mỹ. Hoa Kỳ là một cầu thủ quan trọng nhất trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và Huawei. Nếu các đồng minh của Mỹ đứng về phía Trung Quốc — một đối thủ của Mỹ trong cuộc chiến này — thì sẽ làm giảm khả năng của Mỹ kiểm soát toàn bộ hệ thống liên minh của họ. Từ quan điểm chính trị, ngoại giao và tâm lý, Hoa Kỳ không thể chấp nhận tình hình khi các đồng minh chuyển sang phe bên kia. Nếu Đức lựa chọn Huawei thì Hoa Kỳ sẽ coi đó là một đòn giáng mạnh vào vị thế lãnh đạo của Mỹ. Chính bởi vậy Hoa Kỳ tìm cách duy trì khả năng kiểm soát các ngành công nghiệp có thể rời khỏi phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.
Theo tôi, ngày càng nhiều quốc gia có thể lâm vào tình huống phức tạp bởi vì Hoa Kỳ đang phóng đại quá mức mối đe dọa từ Huawei, mà trên thực tế Huawei không có khả năng gây thiệt hại. Hoa Kỳ không có bằng chứng nào về việc Huawei chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chính phủ Trung Quốc khi hợp tác với các quốc gia khác, bao gồm các quốc gia phương Tây. Hoa Kỳ không thể chứng minh điều này, và Huawei cũng khẳng định điều đó.
Frank Sieren, phóng viên của tờ báo Đức Handelsblatt tại Trung Quốc cho rằng, Đức đang tìm kiếm sự thỏa hiệp — cho phép tập đoàn Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G nhưng yêu cầu tập đoàn này tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, nhà báo đã lưu ý đến việc, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ không có bằng chứng nào về sự hợp tác của Huawei với chính phủ Trung Quốc.
Rõ ràng, Mỹ muốn làm suy yếu đối thủ cạnh tranh của mình. Theo tờ New York Times, trong trường hợp với Ba Lan, Hoa Kỳ thậm chí hứa sẽ xây dựng một căn cứ quân sự nếu Warzsawa không cho phép Huawei vào đất nước của họ. Vì vậy, rõ ràng đây là cuộc đấu tranh giữa Hoa Kỳ là cường quốc thế giới đang xuống dốc và Trung Quốc là cường quốc thế giới đang phát triển nhanh, — ông Frank Sieren nhận xét.
Bắc Kinh chú ý theo dõi những nỗ lực của Washington để đẩy Huawei ra khỏi các thị trường phương Tây. Hoa Kỳ nên thừa nhận rằng, hầu hết các quốc gia có thể độc lập ra các quyết định chiến lược liên quan đến sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, — phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang tuyên bố trong cuộc họp báo vào ngày 12/3.