Tham gia diễn đàn, mà Đại sứ Ngô Đức Mạnh có bài phát biểu khai hoạt động này, có hàng chục đại diện của các trung tâm khoa học lớn nhất nghiên cứu về Việt Nam, các trường đại học giảng đạy tiếng Việt và đào tạo các chuyên gia trong ngành Việt Nam học, cũng như những sinh viên nghiên cứu về Việt Nam. Hướng tới những người tham gia Diễn đàn, ông Ngô Đức Mạnh nói:
Tôi rất vui được gặp các bạn, rất vui được gặp những người Nga có mối quan hệ khăng khít với quê hương tôi, với lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Theo lối diễn đạt giàu hình ảnh của Đại sứ Ngô Đức Mạnh, những người Nga đầu tiên có mối quan hệ khăng khít với Việt Nam ngay từ năm 1931. Khi đó, tại Leningrad, ông Nguyễn Khánh Toàn đang làm việc tại Quốc tế Cộng sản dưới biệt danh Minin, đã tổ chức việc dạy và học tiếng Việt. Giáo sư Vladimir Kolotov, giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Quốc gia St. Petersburg, đã thông báo về phát hiện mới này trong kho ưu trữ. Tuy nhiên, đến năm 1935, ở Nga chỉ đào tạo được hai nhà Việt Nam học. Nhưng, vào năm 1956, Đại học quốc gia Matxcơva bắt đầu giảng dạy tiếng Việt và môn Việt Nam học trên cơ sở thường xuyên. Trong nhóm thí điểm sinh viên Nga học tiếng Việt có mười người. Hai năm sau, ba người trong số đó đã trở thành sinh viên Nga đầu tiên nghiên cứu môn tiếng Việt tại Hà Nội. Phát biểu tại diễn đàn, một trong ba người đó — ông Yevgeny Kobelev, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt, đã nói về những ấn tượng của mình về việc làm quen với ngôn ngữ Việt Nam và đất nước Việt Nam.
Song, trọng tâm chú ý của diễn đàn là tình trạng hiện nay của ngành Việt Nam học và giảng dạy tiếng Việt ở Nga. Trong thập kỷ qua, ở Nga đã xuất hiện hàng chục chuyên khảo về các vấn đề của Việt Nam cổ đại, trung cổ và ngày nay, về ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tại Matxcơva, bản dịch Toàn thư tập V gồm hơn một ngàn trang, bổ sung cho bộ tuyển tập Những di sản văn tự phương Đông đã được phát hành. Dự kiến bộ biên niên sử bản tiếng Nga sẽ gồm tám tập.
Ngày nay, các trường đại học Nga hàng năm đào tạo khoảng một trăm chuyên gia về tiếng Việt và ngành Việt Nam học. Con số này gấp bốn lần so với những năm cuối của kỷ nguyên Xô Viết. Khi đó các nhà Việt Nam học được đào tạo chủ yếu ở Matxcơva, còn bây giờ tiếng Việt được giảng dạy cả ở St. Petersburg và Vladivostok, và bắt đầu từ năm nay tại Kazan, thủ đô Tatarstan. Chỉ riêng ở Matxcơva có bảy trường đại học giảng dạy tiếng Việt. Những người tham gia diễn đàn nhất trí ghi nhận rằng, ở Nga sự quan tâm của những người trẻ đến việc nghiên cứu tiếng Việt đang ngày càng tăng cao. Trước hết, đó là những người đã đến thăm Việt Nam như khách du lịch, hoặc những người có cha mẹ đang hoặc đã làm việc tại Việt Nam.
Không có nghi ngờ gì rằng, ngành Việt Nam học ở Nga đã đạt nhiều thành công, nhưng, vẫn còn có nhiều vấn đề. Thỏa thuận song phương đạt được ở cấp độ cao về việc thành lập một trường đại học nhân văn chung trên cơ sở một trong những trường đại học Matxcơva chưa được thực hiện.
Trong những năm gần đây, cuộc sống ở Nga và ở Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Và cùng với điều đó, ngôn ngữ cũng thay đổi. Trong tiếng Nga và tiếng Việt ngày càng có nhiều từ mới, cách diễn đạt mới. Để tìm hiểu ngôn ngữ hiện đại, cần phải đi du học. Nga hàng năm cung cấp cho sinh viên Việt Nam khoảng một ngàn hạn ngạch miễn phí, với học bổng hàng tháng là 465 USD. Còn Việt Nam chỉ tiếp nhận vài chục sinh viên Nga và chỉ trong thời hạn 9 tháng. Tuy nhiên, một số trường đại học Nga, theo Điều lệ của họ, có thể gửi sinh viên đi thực tập ngôn ngữ ở nước ngoài không quá một học kỳ.
Tình hình với giáo viên người Nga dạy tiếng Việt cũng đáng báo động. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành Việt Nam học đều đi làm trong các cấu trúc kinh doanh mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều. Đây là nguyên nhân tại sao ở Nga đang thiếu trầm trọng sách giáo khoa mới phản ánh tình trạng hiện tại của tiếng Việt.
Những người tham gia diễn đàn đã nói lên một số gợi ý nhằm cải thiện việc giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam tại Nga. Chẳng hạn, mỗi trường đại học, nơi giảng dạy tiếng Việt, cần phải có ít nhất một giáo viên tiếng Việt người bản ngữ. Phía Việt Nam nên tổ chức những lớp thực tập ngôn ngữ ngắn hạn không chỉ cho sinh viên, mà còn cho các giáo viên từ Nga, đặc biệt là không chỉ tại các trường đại học của Hà Nội, mà cả tại thành phố Hồ Chí Minh. Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga hoặc các hiệp hội người Việt tại Nga nên bảo trợ những cuộc thi Olympic về Việt Nam và tiếng Việt dành cho học sinh và sinh viên Nga — tương tự như các cuộc thi do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức. Để mở rộng hiểu biết về Việt Nam, nên mời những người Nga trẻ tham gia các sự kiện văn hóa do cộng đồng người Việt ở Nga tổ chức. Ngoài ra còn có đề xuất thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam với một thư viện về Việt Nam trên cơ sở Trung tâm Thương mại Hà Nội — Mátxcơva. Tất cả những người tham gia diễn đàn đều sẵn sàng tham gia hoạt động này.
Theo lời Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, diễn đàn này là một cuộc thảo luận rất bổ ích về các vấn đề thời sự. Ông Ngô Đức Mạnh nói, tôi đã được thông báo về những vấn đề của ngành Việt Nam học tại Nga, theo tôi, các đề xuất được đưa ra ở đây đều là khả thi. Phát biểu bế mạc diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Nga lưu ý rằng, những cuộc thảo luận như vậy phải được tổ chức hàng năm.