Sau thông tin công dân Indonesia bị bắt trong nghi án Kim Jong-nam được thả, sự chú ý tập trung vào những gì sẽ xảy ra với bị cáo duy nhất còn lại đang bị bắt, Đoàn Thị Hương.
Cô và Đoàn Thị Hương bị cáo buộc đầu độc người Triều Tiên nghi là Kim Jong-nam với chất độc thần kinh VX. Vụ án xảy ra tại sân bay Kuala Lumpur hồi tháng 2/2017. Nếu bị kết án, các bị cáo có thể phải đối mặt với án tử hình.
Nghi phạm người Indonesia bị cáo buộc sát hại người tên Kim Jong Nam được thả tự do ngày 11/3 sau khi các công tố viên Malaysia rút lại cáo buộc giết người.
Trong khi đó, tòa án lên kế hoạch nghe Đoàn Thị Hương — nghi phạm người Việt Nam bị cáo buộc cùng với Aisyah — cho lời khai ngày 11/3, nhưng vì lý do sức khỏe của Hương, ngày cho lời khai được lùi sang 14/3. Vụ án của cô bị tạm dừng vào tháng 12/2018 khi các luật sư tranh luận với các công tố viên về quyền tiếp cận tuyên bố của 7 nhân chứng.
Chiều 12/3/2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah. Liên quan đến vụ việc công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương bị cáo buộc sát hại 1 người Triều Tiên tháng 2/2017 tại Malaysia, Phó Thủ tướng khẳng định lãnh đạo cấp cao và dư luận Việt Nam hết sức quan tâm đến quá trình xét xử cũng như kết quả vụ việc này và đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương.
Gia đình Đoàn Thị Hương mong tin
"Tôi tin rằng con gái tôi cũng sẽ được thả vì con bé vô tội. Chúng tôi gần đây chưa nhận được tin gì từ Malaysia, và chúng tôi vô cùng mong tin từ họ" — ông Thạnh nói, dẫn theo Reuters.
Phiên tòa xử Đoàn Thị Hương dự kiến bắt đầu lại ngày 14/3, 9h sáng (giờ Việt Nam).
Trước đó, các luật sư biện hộ vẫn duy trì lập luận hai người phụ nữ đã trở thành "thế mạng" trong vụ ám sát. Luật sư cho rằng hung thủ thực sự là 4 người Triều Tiên, cũng bị cáo buộc cùng với hai người phụ nữ, nhưng đã chạy trốn khỏi Malaysia không lâu sau vụ án.
Trong khi đó Siti và Hương cho rằng họ được thuê để tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế. Hàn Quốc buộc tội Triều Tiên đứng sau vụ việc nhưng Bình Nhưỡng phủ nhận.
Bị cáo Indonesia được thả "theo đúng luật"
Ngày 11/3, các quan chức Indonesia tiết lộ một bức thư từ Bộ trưởng Tư pháp Indonesia đến Bộ trưởng Tư pháp Malaysia, nói Aisyah đã bị lừa và kêu gọi thả cô. Quyết định bất ngờ của tòa án Malaysia khiến một bộ phận cộng đồng trong nước không đồng tình, cho rằng chính phủ đã hành động do chịu áp lực ngoại giao.
Tuy nhiên, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ngày 12/3 nói quyết định được đưa ra theo đúng luật.
"Có một điều luật cho phép rút các cáo buộc. Đó là điều đã xảy ra. Tôi không biết chi tiết lý do" — ông nói và cho biết ông không có thông tin về bất cứ quá trình đàm phán nào giữa Indonesia và Malaysia về vấn đề này.
Siti hy vọng Hương sớm được thả
Công dân Indonesia trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho biết cô đã từng nghĩ:
"Liệu đây có phải kết thúc của cuộc đời tôi?". Indonesia hiện xác nhận Aisyah đã về nước.
Cô từ chối nói chi tiết về quá trình dẫn dắt cô dính líu với vụ án, nhưng khẳng định mình không liên quan đến âm mưu sát hại nạn nhân. "Tôi không bao giờ nghĩ mình có thể bị vướng vào một vụ việc đến mức độ này. Ban đầu (tôi) rất sốc, tôi đã không thể tin được. Nhưng tôi rất vui (khi được thả)". — cô nói.
Aisyah cho biết cô bắt đầu làm việc ở Malaysia từ năm 2015, từng gặp Hương vài lần trong tù nhưng họ chưa bao giờ thảo luận về vụ giết người. "Thỉnh thoảng một tuần một lần, chúng tôi có thể ra ngoài buồng giam và đi bên trong nhà tù. Tôi đã gặp cô ấy. Tôi hỏi cô ấy ‘Cô thế nào rồi?' nhưng chỉ để chào thôi."
Phiên tòa quyết định
Sau nhiều tháng bị hoãn, giai đoạn biện hộ của quá trình xét xử vụ án bắt đầu lại ngày 11/3 với lời khai từ Đoàn Thị Hương. Sau khi Aisyah được thả, hiện tại luật sư của cô đã yêu cầu cáo buộc giết người được rút lại đối với cô, và các công tố viên dự kiến ngày 14/3 sẽ thông tin tại Tòa án cấp cao Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur, về việc yêu cầu có thành công hay không.