4 yếu tố
Đối với tình hình Biển Đông năm nay, thứ nhất, có thể thấy với những cân nhắc nhằm duy trì lợi thế tương đối về lực lượng và vai trò chủ đạo đối với trật tự khu vực, cũng như ngăn chặn Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, Mỹ sẽ không từ bỏ tâm điểm chú ý của mình, càng không ngồi yên trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mặc dù nhận thức rõ cái giá phải trả nếu một cuộc chiến tranh "nóng" trên quy mô lớn bùng nổ, nhưng hai nước Mỹ — Trung vẫn có cuộc đối đầu "lạnh" với những chiến lược, công cụ ngoại giao, quyền nghị luận mang đặc trưng chiến tranh lạnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục bao trùm. Điều này cũng sẽ quyết định tình hình Biển Đông khó có thể tiếp tục tĩnh lặng.
Thứ hai, sự hiện diện quân sự của Nhật Bản ở Biển Đông sẽ được mở rộng, hệ thống hóa và bình thường hóa. Với Nhật Bản, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai các căn cứ quân sự ở Biển Đông đã đe dọa sự an toàn của tuyến huyết mạch hàng hải của họ.
Thứ ba, tác động của phán quyết Biển Đông liên quan đến vụ kiện Trung Quốc của Philippines cũng sẽ dần lan tỏa cùng với tinh thần dân tộc dâng cao. Đặc biệt là sau phán quyết Biển Đông, các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không chỉ coi chủ trương ở Biển Đông của Trung Quốc là bất hợp pháp, mà còn thấy được Trung Quốc là kẻ đe dọa an ninh khu vực.
Cùng với việc thúc đẩy các vấn đề như đàm phán COC, hợp tác trên biển (khai thác dầu khí) và các vấn đề khác, các nước càng giương cao ngọn cờ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đối với Trung Quốc. Ví dụ, dưới sự dẫn dắt của giới tinh hoa trong nước, sự phản đối quyết liệt của người dân Philippines đối với việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu khoa học và cùng khai thác dầu khí ở khu vực Benham Rise năm 2018 đã khiến Duterte phải tạm dừng hợp tác với Trung Quốc.
Thách thức
Tháng 6/2018, một nhóm đặc nhiệm trên biển của Pháp đã phối hợp với trực thăng và tàu của Anh đi qua Biển Đông. Họ không đi vào lãnh hải 12 hải lý xung quanh các cấu trúc địa hình tranh chấp hay nhắm mục tiêu vào bất cứ tuyên bố chủ quyền cụ thể nào của Trung Quốc, nhưng cũng như các hoạt động tuần tra của Australia, sự hiện diện của họ nhằm gửi đi một thông điệp. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tiết lộ tại Đối thoại Shangri-La năm 2018 rằng các nhà quan sát Đức cũng có mặt trên một trong những con tàu này.
Hai tháng sau đó, Anh đã tiến một bước xa hơn khi tàu HMS Albion đi qua quần đảo Hoàng Sa nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc đối với các đường cơ sở thẳng xung quanh các cấu trúc địa hình đó. Bằng việc vạch ra các đường cơ sở thẳng vi phạm các nguyên tắc pháp lý quốc tế, Bắc Kinh tuyên bố rằng vùng biển bên trong các đường cơ sở thẳng đó là khu vực nội thủy của họ và là vùng cấm đối với tàu thuyền nước ngoài. Chuyến đi của tàu HMS Albion, vốn thách thức tuyên bố đó, là bằng chứng cho thấy lần đầu tiên hải quân của một nước không phải là Mỹ công khai tham gia một hoạt động tự do hàng hải rõ ràng.
Sự gia tăng trong hoạt động hải quân này cho thấy mối quan ngại về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm viết lại các quy tắc trong thông lệ quốc tế ở biển Đông đang lan rộng. Các lực lượng hải quân nước ngoài hoạt động ở biển Đông đều đang khẳng định quyền tự do hàng hải thông qua những cuộc tập trận như vậy.