Sáng 13/3, Ban quản lý dự án Nhóm cố vấn bom mìn MAG nhận cuộc gọi từ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, báo có quả bom lớn ở nhà bà Võ Thị Mai (67 tuổi, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh), đề nghị hỗ trợ kỹ thuật.
Lúc này quản lý kỹ thuật hiện trường của MAG tại Quảng Bình là ông Guy Damien Lakin (44 tuổi) đang nghỉ phép, vào Đà Nẵng kiểm tra sức khỏe. Đồng nghiệp của ông là Jack Cambpell (25 tuổi, phụ trách ở Quảng Trị) đi hỗ trợ. Đến hiện trường, Jack thấy đầu bom lộ ra khoảng một gang tay, cách mặt đất một mét. Phần đất phía trên đã được máy xúc bóc gỡ để xây móng nhà.
Sau khi trao đổi với lực lượng quân sự địa phương, chủ nhà cũng như đội thợ xây, chuyên gia người Australia yêu cầu dừng việc xây dựng và liên lạc với đồng nghiệp. Ông Guy Damien Lakin lập tức từ Đà Nẵng trở về Quảng Bình.
Quả bom cắm sâu xuống đất theo phương thẳng đứng, đầu ở trên. 9h ngày 13/3, Đội xử lý bom mìn số 3 (MAT3, thộc MAG) được lệnh đào một bên quả bom để làm phát lộ hoàn toàn. Đất rất cứng nên họ phải đổ nước vào cho mềm. Đến 16h cùng ngày, phần đuôi bom phát lộ.
Hai chuyên gia xác định đó là bom 750-LB GP M117 do Mỹ sản xuất, dài 1,2 m, đường kính 40,6 cm, nặng 334 kg. Bên trong nhồi 175 kg loại thuốc nổ mạnh, bán kính sát thương lên đến 1.675 m. Ngòi nổ giữ chốt hỏa bằng lò xo.
"Qua hơn 40 năm nằm dưới lòng đất thì thật khó xác định tình trạng của ngòi nổ, không biết nó giữ kim hỏa được bao lâu nữa", ông Guy nói.
Sau khi thảo luận kỹ về quy trình xử lý ngòi nổ quả bom, Guy và Jack quyết định gọi điện tham vấn ba chuyên gia người Anh — cũng là ba thầy huấn luyện tháo gỡ bom — đang ở nước ngoài. Những người này từng làm việc ở Lào, Campuchia và Việt Nam.
"Chuyên gia của MAG được tập huấn rất kỹ lưỡng và chuyên nghiệp về nhiều loại ngòi nổ bom. Việc gọi điện để chắc chắn về chủng loại và quy trình tháo ngòi nhằm vô hiệu hóa quả bom một cách an toàn nhất", Guy giải thích.
Vì quả bom nhạy nổ, không thể di chuyển, trong khi hiện trường lại là khu đông dân cư nên không thể hủy nổ tại chỗ. Việc tháo ngòi là phương án duy nhất. Hai chuyên gia đã thảo luận với quân sự địa phương và đạt được sự đồng thuận.
8h ngày 14/3, Guy và Jack bắt đầu tháo gỡ ngòi nổ. Họ cắt những phần thừa ở đuôi bom rồi đo đạc và chuẩn bị dụng cụ.
"Do bom nằm dưới đất quá lâu, ren của ngòi nổ đã rỉ sét nên việc tháo ngòi rất khó, đòi hỏi chuyên gia nhiều kinh nghiệm và được tập huấn đầy đủ", Guy bộc bạch.
Nguyên tắc đảm bảo tối thiểu người liên quan đến nhiệm vụ, càng nhiều người thì nguy hiểm càng lớn, Guy lý giải việc chỉ có ông và Jack ở hiện trường lúc tháo ngòi quả bom. "Tất cả công đoạn đều quan trọng và nguy hiểm như nhau, chúng tôi tiến hành bình tĩnh, cẩn thận. Nhiệm vụ rất khó khăn nhưng may mắn không có gì nằm ngoài dự kiến", ông nói.
Sau 30 phút, ngòi nổ được tháo ra an toàn. Tuy vậy, trong ngòi vẫn chứa một lượng thuốc nổ nhỏ, có khả năng gây sát thương. Vì thế, quả bom và ngòi nổ được chở trên hai ôtô riêng biệt về nơi tập trung, chờ quy trình xử lý tiếp theo.
"Thật tuyệt vời!", Jack thốt lên, nhấn mạnh sự thành công đến từ hợp tác nhiều bên. Còn Guy cảm thấy hài lòng vì người dân trở lại cuộc sống bình thường. Hai chuyên gia Australia xúc động khi nữ chủ nhà 67 tuổi bắt tay cảm ơn.
Quảng Bình từng hứng chịu nhiều bom đạn từ máy bay và tàu chiến Mỹ trong chiến tranh. Theo khảo sát của Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh công binh), tỉnh có 159/159 xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom mìn với diện tích hơn 200.000 hecta, chiếm 28,2% diện tích. Tai nạn bom mìn đã cướp đi hơn 2.930 sinh mạng, làm bị thương 3.820 người.
Từ năm 2003 đến nay, MAG rà được 15,3 triệu m2 đất, di dời 123.400 vật liệu chưa nổ ở Quảng Bình. Tại địa phương, MAG có sáu đội rà phá bom mìn MAT, hai đội xử lý đa nhiệm vụ MTT, hai đội hỗ trợ rà phá (CST).