Phái đoàn Việt Nam được RSPP (Liên minh các nhà Công nghiệp và Doanh nhân Nga) và ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) mời tham gia vào chuỗi các buổi gặp gỡ cấp cao với các đối tác của Liên bang Nga nhằm giải quyết và xác định các mảng mục tiêu quan tâm trong hợp tác giữa ngành IT của hai quốc gia, cũng như những lĩnh vực tiềm năng khác mà hai bên cho là cần thiết. Các buổi làm việc đã diễn ra trong khuôn khổ "Tuần lễ Kinh doanh Nga" do RSPP tổ chức trong khoảng thời gian giữa các diễn đàn thảo luận của sự kiện này.
"Trong bối cảnh những năm gần đây ngành CNTT của Liên bang Nga đã và đang triển khai thành công một loạt các cải cách nhằm cải thiện quá trình quản trị và cơ cấu, cũng như tính cạnh tranh và khả năng đóng góp vào việc nâng cao năng suất các ngành khác, Dự án "Áp dụng Chiến lược G20: Hợp tác giữa ILO và Liên bang Nga" đã tham gia trao đổi với đối tác của ILO là Liên minh các nhà Công nghiệp và Kinh doanh Nga (RSPP) nhằm triển khai hợp tác giữa các thành viên/tổ chức thuộc RSPP trong ngành CNTT của Liên bang Nga, cũng như các tổ chức chính phủ, cơ quan, các đối tác khác tại Việt Nam", — Ông Cezar Dragutan, Cố vấn trưởng, Dự án G20TS, ILO/HQ — Geneva phát biểu.
"Chúng tôi rất quan tâm tới Bộ tiêu chuẩn đánh giá kỹ năng nghề nghiệp của Nga trong các lĩnh vực, trước hết là CNTT. Chúng tôi nhận thấy tiến trình thực hiện của Việt Nam cũng như Nga. Điều đó chứng tỏ chúng tôi đã đi đúng hướng. Trong buổi làm việc tại Liên minh các nhà công nghiệp và kinh doanh Nga với Ủy ban Quốc gia về Đánh giá Kỹ năng Nghề nghiệp chúng tôi cùng phía bạn đã thỏa thuận sẽ cùng nhau làm việc để tạo ra một Bộ tiêu chuẩn chung của Nga Và Việt Nam. Tất nhiên, trước mắt chúng tôi sẽ chọn một số chuyên ngành trong lĩnh vực CNTT. Việc tạo ra một Bộ tiêu chuẩn chung sẽ cho phép hai nước công nhận bằng lẫn nhau và như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nhân lực", — Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nói với Sputnik.
"Nga xác định Việt Nam là một thị trường tiềm năng tại Đông Nam Á. Hiệp định Thương mại Tự do (TMTD) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu đã có hiệu lực hơn 2 năm, nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao. Chúng tôi cùng nhận thấy các doanh nghiệp Nga vẫn kém hiểu biết thị trường Việt Nam, và ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam không hiểu đầy đủ về thị trường Nga. Cho nên, việc cung cấp thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp là nhiệm vụ quan tâm hàng đầu hiện nay của RSPP. Chúng tôi đang xây dựng một cuốn cẩm nang cho các doanh nghiệp Nga muốn làm việc với Việt Nam chứa đựng những thông tin về thị trường, về văn hóa kinh doanh ở Việt Nam, đầu mối của các doanh nghiệp… Chúng tôi sẽ đưa cho các bạn Việt Nam góp ý kiến trước khi phát hành", — Ông Sergey Mikhnevich, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế của RSPP nói.
"Tôi nhận thấy có 4 hướng hợp tác mà hai bên có thể triển khai tích cực ngay. Đó là CNTT, nông nghiệp, du lịch và ngân hàng. Việt Nam biết tới việc CNTT đang rất phát triển ở Nga, nhưng chưa có sự tiếp cận. Việt Nam với dân số đông rất cần nguồn lương thực và thực phẩm sạch của Nga. Về du lịch, Việt Nam có khí hậu ấm áp, bờ biển dài và đẹp, là nơi nghỉ đông lý tưởng cho người Nga. Hiện nay, chúng tôi đang có hai dự án lớn xây dựng cao tốc Bắc —Nam và đường sắt Bắc —Nam, rất cần tới nguồn kinh phí. Các ngân hàng Nga có thể tham gia đầu tư cho các dự án này. Với tăng trưởng kinh tế gần 7%/năm thì tôi nghĩ Việt Nam là một thị trường đầu tư tiềm năng", — Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam) phát biểu với Sputnik.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Moskva lần này, đoàn công tác Việt Nam ngoài những buổi làm việc tại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), RSPP, còn tham gia Diễn đàn các Cơ chế Phát triển, Diễn đàn Xã hội "Tác động của chính phủ và doanh nghiệp đến phát triển bền vững: nhìn từ góc độ xã hội", Diễn đàn Quốc tế về "Liên minh Kinh tế Á — Âu — mô hình hiện đại cho phát triển thị trường chung" và một số sự kiện khác.
P.S. "Dự án "Áp dụng Chiến lược G20: Hợp tác giữa ILO và Liên bang Nga" (Giai đoạn 2) nhằm hỗ trợ việc áp dụng Chiến lược Đào tạo G20 với các quốc gia hưởng lợi trong khuôn khổ Dự án: Armenia, Kyrgyzstan, Tajikistan, Jordan, Việt Nam và 5 vùng lãnh thổ thuộc Liên bang Nga. Dự án tập trung vào xây dựng năng lực của các đơn vị Nhà nước liên quan nhằm phân tích và cải thiện hiệu quả các hệ thống Phát triển kỹ năng nghề cấp quốc gia và cấp ngành tại các quốc gia hưởng lợi thông qua hỗ trợ của Dự án.
Tại cuộc họp ngày 24/09/2018, Ban Cố vấn Dự án tại Việt Nam đã bày tỏ quan tâm trong việc đón nhận sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án cho ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) cũng như ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác như Nông nghiệp/Công-nông nghiệp.