Vụ ám sát diễn ra tại sân bay Kuala Lumpur hồi tháng 2 năm 2017. Bốn người Bắc Triều Tiên (cho đến nay chưa bị bắt) và hai phụ nữ trẻ, công dân Indonesia Siti Aisyah và công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương, bị cáo buộc phạm tội. Có bằng chứng, bao gồm cảnh quay video, cho thấy hai người phụ nữ nói trên đã chạm vào Kim Jong-nam, sau đó ông này tử vong vì ngộ độc. Cả hai người phụ nữ đều bác bỏ cáo buộc về ý định giết ông người Triều Tiên, nhưng suốt trong hai năm qua tòa án Malaysia cố gắng chứng minh rằng họ có tội.
Không xuất hiện dữ liệu mới về vụ án này, nhưng khá bất ngờ là vào thứ Hai tuần trước (11 tháng 3), Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas đã quyết định thả Siti Aisyah, và cô gái không giấu diếm niềm vui mừng lập tức trở về quê hương Indonesia.
Thế còn chuyện gì xảy ra với bị cáo thứ hai, cô gái người Việt Nam Đoàn Thị Hương? Cô không được thả. Vụ việc với cô sẽ được xem xét vào ngày 1 tháng Tư. Người phụ nữ trẻ quá sốc trước quyết định của Tổng chưởng lý Malaysia, Đoàn Thị Hương rơi vào tình trạng căng thẳng và hiện đang ở trong bệnh viện tâm thần.
Quyết định của Tổng chưởng lý Malaysia khiến rất nhiều người ngạc nhiên. Luật sư Hisyam Teh Poh Teik, người bảo vệ quyền lợi của nữ công dân Việt Nam, đã gọi quyết định trả tự do cho một bị cáo và không trả tự do cho người khác là "thiên vị" và "kỳ thị phân biệt". Nhà luật học Abdul Rashid Ismail, một trong những chuyên gia luật hình sự nổi tiếng nhất của Malaysia nhận xét rằng Tổng Chưởng lý đã phán quyết không công bằng.
Tổng Chưởng lý Malaysia Tommy Thomas lý giải quyết định của mình rằng ông ta xuất phát từ "mối quan hệ tốt đẹp giữa Kuala Lumpur và Jakarta". Như vậy, liệu có cần phải hiểu rằng như thế nghĩa là Kuala Lumpur và Hà Nội có quan hệ xấu? Bởi vì các nhà ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần đề nghị trả tự do cho Đoàn Thị Hương, trong đó có ý kiến cả cấp Bộ trưởng Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam Phạm Bình Minh, người tuần trước đã gọi điện cho Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah về vấn đề này. Có gì mà Hà Nội còn chưa làm? Phải chăng là chủ nghĩa chống Cộng vốn có trong giới thượng lưu chính trị Malaysia đã tác động? Và việc giam giữ Đoàn Thị Hương có phải là phản ứng với kết quả chuyến thăm Việt Nam gần đây của ông Kim Jong-un và cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước cùng đang xây dựng chủ nghĩa xã hội?
Hoặc có thể giải thích mọi thứ một cách đơn giản hơn — người Indonesia đã đưa hối lộ cho các thẩm phán Malaysia để họ thả Siti Aisyah. Mà vụ hối lộ đó có thể là ở cấp khá cao. Tổng thống Indonesia là Joko Widodo, người mà Siti Aisyah vừa được tự do đã lập tức nói lời cảm ơn vì đã giúp đỡ cô, hiện đang chuẩn bị cho cuộc tranh cử Tổng thống mới, dự kiến vào tháng Tư. Hành động như vậy để cứu vớt đồng bào của mình có thể nâng điểm cho ông ta chăng?
Cách hành xử của Seoul cũng làm nảy sinh câu hỏi. Hai năm trước, khi xảy ra vụ án mạng tại sân bay Kuala Lumpur, chính giới Hàn Quốc gọi đây là "cuộc khủng bố rõ rệt". Còn những ngày này, khi một trong những thành viên của "cuộc khủng bố" đó được thả khỏi nơi giam giữ, ở Seoul người ta lại cho rằng đánh giá hành động của chính quyền Malaysia là "không đúng chỗ". Và đó là khi Kim Jong-nam vốn được coi là người ủng hộ Hàn Quốc.
Những gì đã xảy ra ở Kuala Lumpur là vết đen về mặt công lý và ngoại giao của Malaysia. Bây giờ mọi người sẽ khó tin vào sự trung thực và chuyên nghiệp của hai cơ cấu này của đất nước đó.