Nghị quyết 66/2006/NQQ-QH11 quy định, dự án có quy mô vốn đầu tư từ 20.000 tỷ đồng và có sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
‘Né' cửa Quốc hội
Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng Lô Junin 2 — Venezuela được hình thành từ 2006, do PetroMacareo — là công ty liên doanh giữa Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty Dầu khí Venezuela (CVP) — đơn vị thành viên của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) điều hành.
Tổng vốn đầu tư dự án này hơn 12,4 tỷ USD (gần 211.400 tỷ đồng), trong đó chi phí đầu tư đến năm 2015 gần 8,9 tỷ USD và từ 2016 trở đi (lấy từ nguồn thu của dự án) khoảng 3,5 tỷ USD. 60% vốn đầu tư tại Junin 2 được liên doanh PetroMacareo vay, tương ứng 5,8 tỷ USD. 40% còn lại do các bên đóng góp tương ứng 3,1 tỷ USD.
Phần vốn góp của PVEP phải đóng tương ứng với tỷ lệ tham gia 40% trong hợp đồng là hơn 1,24 tỷ USD. Tuy nhiên, số vốn đầu tư trên chưa bao gồm 584 triệu USD phí tham gia hợp đồng (chi phí hoa hồng) của phía Việt Nam trả cho Venezuela khi thăm dò, khai thác mỏ này..
Như vậy, nếu cộng khoản phí tham gia hợp đồng trên thì tổng vốn phía PVEP đổ vào Junin 2 là trên 1,82 tỷ USD. Theo quy định, việc xem xét và quyết định chủ trương đầu tư Dự án Junin 2 sẽ thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Với tư cách là cơ quan thẩm định, tháng 11/2008, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có cuộc họp thẩm định báo cáo việc đầu tư dự án với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và có tờ trình Thủ tướng xin phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 1,24 tỷ USD. Tiếp đó, Bộ này đã báo cáo Thủ tướng và kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét đặc cách với dự án để sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nhưng, tại báo cáo tháng 5/2009 của Chính phủ gửi cơ quan thường trực Quốc hội về dự án Junin 2, cơ cấu phần vốn góp nhà nước tại dự án bất ngờ được điều chỉnh. Cụ thể, phần vốn góp từ vốn chủ sở hữu của PVN giảm từ 956 triệu USD dự kiến ban đầu, xuống còn 547 triệu USD, tức chỉ còn 29,9% tổng chi phí góp vốn của phía Việt Nam.
Việc thay đổi cơ cấu vốn góp giúp Dự án Junin 2 lách khe cửa hẹp, không còn nằm trong diện phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ký hợp đồng khi chưa có chứng nhận đầu tư
Ngay khi đưa được Junin 2 ra khỏi diện dự án, công trình trọng điểm quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, chấp thuận, ngày 29/6/2010, lễ ký Hợp đồng thành lập và Quản lý Công ty liên doanh PetroMacareo (lô Junin 2 thuộc vành đai dầu Orinoco, CH Boliva Venezuela), giữa PVEP (ông Nguyễn Vũ Trường Sơn làm đại diện) và Công ty Corporación Venezolana del Petróleo S.A. (CVP) đã diễn ra tại Venezuela.
Tuy nhiên, thời điểm này, PVEP vẫn chưa có được giấy chứng nhận đầu tư từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Không những thế, trước đó, Bộ này đã cảnh báo PVEP cần cân nhắc khi thực hiện dự án bởi Junin 2 được đầu tư bằng vốn nhà nước và vốn vay của doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng chỉ ra những rủi ro về lạm phát, chênh lệch tỷ giá…
Khoản "hoa hồng" kỳ lạ
Theo thoả thuận hợp đồng đã ký, phía PVN/PVEP phải thanh toán đợt đầu 300 triệu USD phí tham gia hợp đồng (phí hoa hồng) trong 6 tháng. Các đợt nộp phí hoa hồng tiếp theo lần 2 và 3, mỗi đợt 142 triệu USD.
Việc này đồng nghĩa khi chưa thăm dò, khai thác giọt dầu nào thì PVEP cũng phải trả đầy đủ phí tham gia hợp đồng 584 triệu USD cho đối tác.
Nếu vi phạm, toàn bộ cổ phần của PVEP trong công ty liên doanh có thể tự động chuyển cho đối tác Venezuela và Việt Nam không được quyền thanh toán hoặc đền bù gì từ các khoản đã góp, vay vốn hay đầu tư ở dự án này.
Theo tài liệu, trước ngày 12/5/2011, khi liên doanh chưa hoàn thành thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng Venezuela, PVN đã phải chuyển 300 triệu USD tiền mặt cho Venezuela. Và ngày 12/5/2012, PVN tiếp tục nộp cho Venezuela 142 triệu USD đợt 2.
Năm 2013, PVN đã phải quyết định đơn phương không thực hiện cam kết, chấp nhận mất 442 triệu USD tiền phí tham gia, 90 triệu USD tiền góp vốn và các chi phí lớn khác, ước tính quy đổi khoảng 11.000 tỷ đồng.