Ngày 19/3, các bác sĩ tại Phòng khám chuyên khoa (Viện Sốt rét — Ký sinh trùng — côn trùng TP.HCM) vừa tiến hành khám và điều trị cho một bệnh nhân nữ 27 tuổi (ở quận 1, TP.HCM) bị mắc sán dây lợn trưởng thành.
BSCKII Hồ Ngọc Quý — Trưởng phòng khám — cho hay trước khi đi khám, nữ bệnh nhân đại tiện phát hiện có đốt trắng lẫn trong phân.
"Ban đầu bệnh nhân không hề biết đốt trắng đó là gì nên đã gói cẩn thận rồi đưa đến viện kiểm tra. Khi đến phòng khám, tôi trực tiếp tiếp nhận và khẳng định đó là đốt sán lợn trưởng thành. Sau đó, tôi chỉ định cho bệnh nhân điều trị bằng cách uống thuốc xổ", bác sĩ Quý thông tin.
Sau 3 tiếng uống thuốc xổ, nữ bệnh nhân đi ngoài và ra cả con sán với tổng chiều dài là 5,2 mét. Khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhân sinh hoạt bình thường, chỉ thỉnh thoảng có cơn đau bụng nhẹ và hơi khó chịu ở đường tiêu hóa.
Sau khi thải được sán, bệnh nhân được kê thêm một liều thuốc xổ sau một tuần.
"Việc uống thêm liều thuốc này là nhằm tiêu diệt hết các đốt sán nếu vẫn còn trong cơ thể người bệnh. Khi uống 2 liều thuốc như bệnh nhân trên chắc chắn sẽ loại trừ hết đốt sán ra ngoài cơ thể", bác sĩ Quý nói.
Từ trường hợp trên, bác sĩ Quý cho rằng triệu chứng rõ nhất khi mắc sán dây lợn trưởng thành là đi ngoài ra đốt sán hoặc đốt sán tự bò ra ngoài hậu môn.
"Nếu có triệu chứng đó tốt nhất nên đến cơ sở chuyên khoa để tiến hành xổ tại chỗ. Sau khi xổ xong các bác sĩ còn phải kiểm tra xem đầu con sán đã ra chưa", bác sĩ Quý cho hay.
Để phòng bệnh, trong sinh hoạt hàng ngày, người dân cần ăn chín, uống sôi. Trường hợp thấy thịt bò, thịt lợn có nổi nốt trắng như hạt gạo, chúng ta không nên sử dụng.