Trong thời gian qua, dư luận tiếp tục bức xúc khi Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 tiến hành cho các nhân viên tại trạm BOT Bắc Thăng Long — Nội Bài thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn quốc lộ 2, tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
Đặc biệt, tại BOT này còn có sự xuất hiện của các lực lượng chức năng thuộc Công an TP Hà Nội để phối hợp hướng dẫn phân luồng, hỗ trợ an ninh, nhắc nhở tài xế không tụ tập phản đối…
Viettracimex 8 sử dụng trạm BOT Bắc Thăng Long — Nội Bài thu hoàn vốn tuyến tránh TP Vĩnh Yên từ năm 2009. Giá trị gói thầu này lên tới khoảng 530 tỷ đồng, với thời hạn thu hoàn vốn trong vòng 16 năm 10 tháng 11 ngày. Mức giá thấp nhất là 10.000 đồng/xe 4 chỗ.
Các tài xế bức xúc vì không đi đường tránh mà vẫn phải trả tiền BOT, do đó họ thường xuyên tập trung phản đối, yêu cầu Vietracimex 8 dỡ trạm BOT này và chuyển về tuyến tránh TP Vĩnh Yên.
UBND TP Hà Nội đã nhiều lần đề nghị Bộ GTVT dừng thu phí và di chuyển trạm BOT Bắc Thăng Long — Nội Bài về vị trí đường tránh TP Vĩnh Yên. Bởi đây là tuyến đường đối ngoại huyết mạch nối trung tâm thành phố với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết đã báo cáo Chính phủ, đề nghị ngân sách mua lại hoặc sáp nhập BOT này vào BOT Vĩnh Yên — Nội Bài. Sau đó, BOT này vẫn tiếp tục thu phí.
Giữa nhiều luồng ý kiến trái chiều của dư luận, không ít người tò mò về chân dung ông chủ thực sự đứng sau BOT Bắc Thăng Long — Nội Bài thu phí gây xôn xao dư luận.
Theo báo Nhà Đầu Tư, CTCP BOT Vietracimex 8 được thành lập tháng 12/2006, là chủ đầu tư dự án Xây dựng Quốc lộ 2 đoạn tránh TP. Vĩnh Yên. Theo hợp đồng được ký kết với Bộ GTVT, Vietracimex 8 được đặt trạm BOT Bắc Thăng Long — Hà Nội và thu phí từ đầu năm 2011 để hoàn vốn cho dự án ở Vĩnh Phúc, thời gian thu phí là 16 năm 10 tháng 11 ngày. Theo Giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 18/12/2017, Vietracimex 8 có vốn điều lệ 250 tỷ đồng. 3 cổ đông sáng lập là CTCP Xây dựng và Phát triển Cơ sở hạ tầng 9 (1,8%), CTCP Đầu tư Xây dựng Việt Nhật (1,8%) và Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex 96,4%). Vietracimex 8 là công ty con của Vietracimex. Ông Võ Nhật Thăng từng làm Chủ tịch HĐQT Vietracimex 8, trước khi chuyển giao lại cho "phó tướng" Vũ Đức Toàn từ cuối năm 2017.
Thông tin trên Infornet cho biết, Tổng Công ty Vietracimex vốn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ GTVT. Ông Võ Nhật Thăng trước đó được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại tổng công ty. Vốn là một người kín tiếng, ông Thăng chỉ được dư luận biết đến sau khi thâu tóm 93,37% cổ phần của Vietracimex thời điểm Tổng công ty này được cổ phần hóa năm 2005.
Trong số đó, Vietracimex có tới 3 công ty con mang tên ông Thăng gồm: CTCP Nhật Thăng VNT10, CTCP Nhật Thăng VNT6, CTCP Nhật Thăng VNT7 (chữ VNT viết tắt từ tên ông Võ Nhật Thăng).
Sau khi cổ phần hóa, Tổng công ty hoạt động theo hướng kinh doanh đa ngành, hiện tại sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính: Bất động sản; Sản xuất công nghiệp; Năng lượng và Thương mại dịch vụ.
Vietracimex nhanh chóng trở thành một tên tuổi lớn. Cuối năm 2016, vốn góp thực của Vietracimex là 3.712,4 tỷ đồng, trong đó riêng ông Võ Nhật Thăng sở hữu 87,85%. Tính đến đầu tháng 8/2018, ông Thăng gia tăng tỷ lệ cổ phần lên mức 99,988%. Hai cổ đông còn lại là ông Vũ Đức Toàn (0,011%) và bà Vũ Thị Mai Loan (0,001%), mỗi người nắm chưa đến 1% cổ phần. Vốn điều lệ của Vietracimex lúc này là 5.510 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực bất động sản, ông chủ BOT Bắc Thăng Long Nội Bài còn đầu tư một loạt dự án như: Hinode City, 201 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội — nơi đăng ký trụ sở của Tổng công ty và các công ty thành viên; dự án KĐT Kim Chung — Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội); Trung tâm văn phòng và khách sạn 5 sao Lạng Sơn; KĐT Bình Khánh Bình Thạnh (TP.HCM); Lô 2 (1.570 căn hộ) khu tái định cư 38,4ha tại KĐT mới Thủ Thiêm (TP.HCM); Tòa nhà văn phòng Vietracimex 926 Bạch Đằng, Hà Nội; dự án Sunrise VNT Phú Quốc; dự án Phạm Hùng (Mỹ Đình, Hà Nội); Hanoi Golf Club (Sóc Sơn, Hà Nội).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng sở hữu nhà máy bột đá siêu mịn Trung Đức quy mô 7ha tại Nghi Lộc, Nghệ An và nhà máy bột đá siêu mịn VNT tại Khu kinh tế Nam Cấm (Nghệ An).
Nhiều lần báo kinh doanh thua lỗ
Theo Nhà Đầu Tư, dù là đơn vị sở hữu hàng loạt các dự án lớn với khối tài sản kếch xù nhưng thực trạng kinh doanh của Vietracimex có thời điểm không mấy khả quan.
Cụ thể, năm 2014, doanh thu đạt 678 tỷ đồng, lãi sau thuế 1,3 tỷ đồng. Khoản lãi tăng lên 7,8 tỷ đồng tương ứng với doanh thu 2.187 tỷ đồng năm 2015. Tuy nhiên sang năm 2016, doanh nghiệp của ông Võ Nhật Thăng lại phải báo lỗ 1,4 tỷ đồng, khi doanh thu giảm mạnh về còn 883 tỷ đồng.
Vietracimex giải thích rằng một số đơn vị thành viên hoạt động không hiệu quả, gây ra gánh nặng tài chính. Thêm nữa, doanh nghiệp có quy mô lớn, phân tán kinh doanh nhiều lĩnh vực khác, không tập trung vào mảng kinh doanh chính. Việc chưa thực hiện đại chúng hoá công ty cũng dẫn đến nhiều hạn chế trong thu hút vốn đầu tư, mời gọi cổ đông chiến lược.