"Tại Nga đã sáng chế và thử nghiệm tổ hợp tự động mới để chống lại những khí cụ bay không người lái như vậy. Bài viết của Sputnik nói chi tiết hơn về đề tài này.
Chuyến bay không được phép của khí cụ không người lái cỡ nhỏ phía trên các sân bay, các chủ thể công nghệ cao như nhà máy điện, cơ sở lọc dầu hoặc nhà máy luyện kim và các khu vực khác, không mở cửa tiếp nhận khách tham quan, bây giờ là mối bận tâm đáng kể của lực lượng thực thi pháp luật và cơ quan an ninh. Cần đấu tranh chống các loại UAV này nhưng sử dụng hệ thống chiến tranh điện tử mạnh hay là hệ thống phòng không của quân đội vào mục đích như vậy sẽ thành quá tốn kém và không hợp lý, chẳng khác nào dùng đại bác bắn chim sẻ. Do đó, các kỹ sư của Xí nghiệp Khoa học và Sản xuất "Almaz" (trong thành phần "Roselectronics" thuộc Tập đoàn Nhà nước "Rostec") đã sáng chế hệ thống chiến đấu không người lái chuyên biệt để đối phó với UAV "dân dụng", được gọi là "Ataka-DBS".
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Mikhail Apin Phó Tổng GĐ thứ nhất của "Almaz" lưu ý:
"Đây là phát triển sáng kiến của "Roselectronics". Trong khuôn khổ thực hiện các đơn đặt hàng quốc phòng, chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm độc đáo và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực điện tử vô tuyến vi sóng, từ đó quyết định áp dụng trong công việc cả với các sản phẩm dân dụng. Một điển hình của các sản phẩm như vậy là tổ hợp "Ataka-DBS", được xây dựng trên cơ sở các giải pháp phần mềm và kỹ thuật vô tuyến tiên tiến nhất".
"Đây là tổ hợp hoàn toàn tự động, loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của "yếu tố con người", — ông Mikhail Apin nói. — Nó có thể không cần người điều khiển vẫn xác định được thuộc tính của "khí cụ bay không người lái" theo nguyên tắc "ta-địch" và ngăn chặn sự xâm nhập trái phép vào lãnh thổ của chủ thể được bảo vệ. Điều rất quan trọng là "Ataka-DBS" không làm gián đoạn công việc của các thiết bị liên lạc và định vị điều hướng xung quanh, vì thế có thể sử dụng nó tại các sân bay, trong môi trường đô thị và trên địa bàn các chủ thể công nghệ cao. Về các phương án của hệ thống, thì những phần tĩnh tại đã sẵn sàng còn thiết bị di động đang trong giai đoạn phát triển.
Theo lời vị đại diện công ty sáng chế, hệ thống hoạt động khá giản đơn. Nó tiến hành phát hiện tần số vô tuyến (nghĩa là quét sóng vô tuyến) trong bán kính 1,5 km, phân định và phong tỏa các kênh liên lạc và điều hướng vệ tinh mà các UAV dân sự sử dụng (phạm vi tần số 2-6 GHz). Dưới tác động của tổ hợp, các khí cụ bay không người lái mất liên lạc với bộ điều khiển và hoặc phải quay trở về điểm xuất phát hoặc hạ cánh khẩn cấp. Hơn nữa, thời gian phản ứng của tổ hợp «Ataka-DBS" có thể được gọi là nhanh như chớp — chỉ vẻn vẹn 0,1 giây. Ngoài tác động tới thiết bị bay không người lái, chính tổ hợp này cũng thông báo cho những nhân vật hữu trách quan tâm (ví dụ như bộ phận bảo vệ chủ thể) về diễn biến vụ việc. Vì thế trong trường hợp UAV nọ hạ cánh khẩn cấp, nhân viên bảo vệ sẽ phải tịch thu nó và bắt đầu xác định xem — ai và tại sao lại cố gắng do thám chủ thể này làm gì — cơ sở cạnh tranh, kẻ có dã tâm hoặc chỉ đơn giản là ai đó quá tò mò.
"Điểm ưu việt quan trọng của hệ thống này là kiến trúc mở rộng của nó. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của chủ thể cần bảo vệ, có thể sử dụng nó như một tác nhân triệt tiêu đơn lẻ hoặc toàn bộ tổ hợp tế bào liên kết chặt chẽ với nhau bao quát một chu vi nhất định", — ông Mikhail Apin nhấn mạnh.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Mikhail Apin đã nói về cách giải quyết vấn đề bảo mật của việc sử dụng tổ hợp "Ataka-DBS" để nó phục vụ chính xác cho chủ thể ấn định chứ không tác động đến các thiết bị bay khác. Vậy bản thân "Ataka-DBS" được bảo vệ đến mức nào trước sự phản công tiềm năng từ chính các UAV lạ?
"Đó chính là know how — bí quyếtsáng chế — của chúng tôi", — ông Apin nói. — Chúng tôi hiểu rằng công nghệ không bao giờ đứng yên một chỗ, rằng luôn diễn ra cuộc chạy đua nâng cấp phần mềm liên tục cho cả UAV cũng như hệ thống đối trọng. Quá trình này giống như trong kỹ thuật quân sự: khi xuất hiện một vũ khí tấn công mới thì gần như ngay lập tức cũng ra đời phương tiện bảo vệ khỏi nó. Chúng tôi hiện đang làm việc để chế tạo ra tổ hợp "Ataka-DBS" cũng biết tự học".
"Bảo vệ chủ thể trước những xâm nhập của khí cụ bay không người lái dân sự không chỉ là vấn đề của riêng nước Nga. Chúng tôi đã nhận được yêu cầu cung cấp các hệ thống chống UAV, từ các nước như Đức, Italia, Bulgaria. Và một khi UAV càng vừa tầm dễ tiếp cận, thì nhu cầu về các hệ thống bảo vệ chống lại sự xâm nhập trái phép của các thiết bị bay tự động này vào các chủ thể khác nhau sẽ càng gia tăng và cuộc đấu trí, đấu công nghệ cứ thế tiếp nối", — ông Mikhail Apin Phó Tổng GĐ "Almaz" kết luận.