Đó là điều chuyên gia kinh tế — PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đặc biệt lưu ý khi trao đổi với Đất Việt về nguồn vốn Trung Quốc.
PV: — Dù đã có nhiều bài học với dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, nhiều nhận định cho rằng, Việt Nam khó có thể nói không với nguồn đầu tư này trong bối cảnh nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế vẫn rất cao.
Mới đây nhất, trong buổi làm việc với Bộ GTVT, Tập đoàn Thái Bình Dương đến từ Trung Quốc bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư "trọn gói" dự án đường cao tốc Bắc-Nam tại Việt Nam theo hai hình thức EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) và BTO (hợp đồng xây dựng — chuyển giao — kinh doanh).
Thưa ông, có thể nhận định ra sao về sức hấp dẫn của vốn Trung Quốc với Việt Nam ở thời điểm hiện tại? Liệu Việt Nam có tránh được những hậu quả khi tiếp nhận nguồn vốn này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: — Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật để phát triển một nền kinh tế hiện đại đang là vấn đề bức xúc đối với Việt Nam, trong khi nguồn vốn để đầu tư lại rất khó khăn. Vì lẽ đó, mọi nguồn vốn đều đáng quý và chúng ta mong muốn đầu tư có hiệu quả để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, phải lưu ý tới một số đặc tính của nguồn vốn Trung Quốc, mà biểu hiện của chúng không chỉ có khi đầu tư ở Việt Nam. Hàng loạt quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là một ví dụ. Người ta vẫn thấy đằng sau đó là những toan tính của Trung Quốc về tài nguyên thiên nhiên, đem lại lợi ích kinh tế cho Trung Quốc nhiều hơn cái mà Trung Quốc vẫn tuyên bố về mong muốn hợp tác, phát triển toàn diện và sự phồn vinh của các quốc gia trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
Việc xem xét kỹ lưỡng, thận trọng các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn của Trung Quốc phải được đặt lên hàng đầu và là yêu cầu bắt buộc. Nguồn vốn của Trung Quốc rất hấp dẫn và nếu làm tốt thì Việt Nam có lợi ích lớn. Nhưng đây là một bài toán khó với cả nguồn vốn FDI nói chung mà Việt Nam đã và đang gặp phải.
Trong nhiều dự án, nhà đầu tư cứ làm theo ý họ và không ít người nghĩ rằng điều đó không ảnh hưởng đến mình nhưng không phải vậy. Khi nhà đầu tư đẩy giá của các dự án, công trình lên cao, khấu hao lâu, các khoản thu hồi nhiều, các khoản ấy chui vào giá thành sản phẩm, dịch vụ, nhà đầu tư trốn được thuế, thu được lợi ích do nâng giá dự án… Tóm lại, họ được đơn được kép, bỏ một vốn mà thu lại 3-4 lời Chính điều này làm ảnh hưởng lâu dài đến tốc độ phát triển của đất nước.
Cũng phải lưu ý rằng, trong điều kiện hiện nay, người có nhiều vốn và sẵn sàng bỏ vốn ra nhất có lẽ là Trung Quốc.
Vì thế, cơ chế kiểm tra giám sát, cơ chế về kế hoạch hóa và thực thi vấn đề này phải nghiêm túc thì lúc đó mới có thể sử dụng vốn Trung Quốc.
PV: — Trên thực tế, cũng đã có rất nhiều cảnh báo, thậm chí cả những lời kiên quyết nói không với dòng vốn Trung Quốc. Điều này có đặt ra khả năng Việt Nam không cần đến vốn vay Trung Quốc để đầu tư cơ sở hạ tầng không?
Cũng đã có những đề xuất, thay vì vay vốn Trung Quốc hay các nước khác, Việt Nam có thể huy động nguồn đầu tư trong nước. Thưa ông, mong muốn này có thực tế không và để làm được như vậy, môi trường đầu tư cũng như cách thức huy động vốn của Việt Nam cần thay đổi như thế nào?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: — Nếu vì sợ những tiêu cực, mặt trái của vốn Trung Quốc mà không sử dụng nguồn vốn ấy thì không nên. Hiện nay vốn Trung Quốc đang dư thừa và nếu tận dụng được nguồn vốn ấy là điều rất tốt.
Thế nhưng, theo thông tin được đăng tải trên báo chí gần đây, Malaysia đã đạt được những tiến bộ nhất định trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc nhằm hồi sinh dự án đường sắt cao tốc.
Rõ ràng, việc từ chối vốn vay Trung Quốc rất khó và phía Trung Quốc sẽ bằng cách này hay cách khác để khiến dự án được thực thi. Đến khi dự án được nối lại, kịch bản cũ — đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo — hoàn toàn có thể tái diễn.
Về mong muốn huy động vốn trong nước thay vì sử dụng vốn Trung Quốc hay của nước khác, tôi cho rằng không thực tế. Ở trong nước, chúng ta lấy đâu ra nguồn lực để làm? Không đủ và không có, bởi ngay cả những tập đoàn lớn tại Việt Nam hiện nay cũng phải đi vay ngân hàng.
Nhiều dự án, đặc biệt là các dự án BOT vẫn được giới thiệu là có tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhưng có bao nhiêu nhà đầu tư tự bỏ ra được 50% vốn để xây dựng, hay đó đều là vốn vay ngân hàng? Các cơ quan chức năng và các chuyên gia đã chỉ ra rằng, nhiều chủ đầu tư dự án BOT "tay không bắt giặc" khi vốn chủ sở hữu chỉ có 10-15%, số còn lại họ vay ngân hàng.
Ngay dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, tôi không rõ sẽ lấy đâu ra tiền để xây dựng. Bộ GTVT nói kêu gọi tư nhân tham gia, nhưng tư nhân nào có tiền và trong nền kinh tế có vốn hay không?
PV: — Tuy nhiên, cũng tồn tại một quan điểm cho rằng, vốn Trung Quốc hay vốn Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… không phải là nguyên nhân dẫn tới những thua thiệt như đã từng xảy ra. Mấu chốt ở đây là năng lực quản lý, giám sát, trình độ tiếp cận công nghệ… của phía Việt Nam. Đặc biệt, vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm níu kéo khiến nhiều người sẵn sàng đánh đổi lợi ích chung lấy lợi ích riêng.
Ông đồng tình ở mức độ nào với nhận định trên? Nếu điều này không thay đổi, khả năng người dân vẫn là người thua thiệt trong các quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng dù dùng bất cứ nguồn vốn nào. Đối với dòng vốn từ Trung Quốc, những vấn đề này cần được đặc biệt lưu ý ra sao, đặc biệt khi chính các nước phát triển phương Tây cũng từng phải ngậm đắng nuốt cay với bẫy đầu tư Trung Quốc?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: — Đúng là tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng… vẫn là vấn đề lớn trong nhiều dự án ở Việt Nam hiện nay.
Nếu chúng ta có cơ chế pháp luật rõ ràng, minh bạch và cơ quan thực thi pháp luật thực sự nghiêm minh thì tránh chuyện này không hề khó. Tiếc thay việc thực thi pháp luật ở Việt Nam, trong nhiều dự án, không hề ổn chút nào. Từ khâu thẩm định dự án cho đến đấu thầu, các khâu kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng… đều thiếu nghiêm túc.
Có ý kiến cho rằng nếu có chế độ đãi ngộ tốt đối với những người làm nhiệm vụ quản lý dự án, giám sát thì sẽ chống được tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng. Nhưng điều này có cả hai mặt: lương bổng, phụ cấp của những người làm nhiệm vụ nói trên là không hề thấp so với mặt bằng chung, nhưng nhu cầu cuộc sống, đặc biệt là lòng tham của con người thì vô cùng.
Chính vì thế, phải kết hợp cả việc nghiêm túc xem xét lương thưởng, động viên, giáo dục chính trị, tư tưởng; đồng thời cơ chế quản lý con người, cơ chế hoạt động, thưởng phạt phải nghiêm minh để có tính răn đe, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người làm nhiệm vụ quản lý, giám sát dự án. Nếu không làm được việc này, cuối cùng chỉ người dân phải chịu thiệt thòi bởi kinh tế không phát triển được, bỏ tiền ra mà không thu được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, không nâng cao được mức sống…
Chỉ có cách Việt Nam phải quản lý cán bộ chặt chẽ, công khai, minh bạch trong các dự án; thực hiện kiểm tra, giám sát, trước hết là tài khoản của những người có trách nhiệm liên quan, chỉ cần tài khoản tăng lên một cách bất thường thì phải giải trình. Việc này cơ quan quản lý phải làm cho nghiêm túc, nếu "đánh trống bỏ dùi" thì sẽ không giải quyết được gì.
PV: — Những quan điểm nói trên đặt ra một khả năng khác, điều hướng dòng vốn Trung Quốc tới những lĩnh vực phù hợp, như Đức từng cấm doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào một vài doanh nghiệp công nghệ. Theo ông, điều này có khả thi không? Đối với Việt Nam, những lĩnh vực nào nên được lựa chọn theo cách thức trên?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: — Đây là một vấn đề đau đầu. Việc khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên nào đó hay không khuyến khích đầu tư vào đâu… trước đây đã được Việt Nam đẩy mạnh. Thế nhưng, hiệu quả của chúng lại không đi đến đâu bởi mục tiêu quan trọng nhất của nhà đầu tư là lợi nhuận, dẫu chúng ta có ưu tiên vùng sâu, vùng xa thì nhà đầu tư cũng không tham gia nếu như họ không có lợi nhuận vượt trội.
Việt Nam cần phải xem lại chính sách ưu đãi đầu tư. Nhiều năm trời, các ưu đãi về thuế, đất đai… đều được Việt Nam ưu đãi hết nấc để thu hút nhà đầu tư FDI, nhưng thực sự nhà đầu tư cần gì? Họ đến Việt Nam không phải chỉ vì ưu đãi, quan trọng hơn là sự thông thoáng, môi trường ổn định và có lợi ích lâu dài.
Vì thế, trở lại với câu hỏi trên, làm sao Việt Nam có thể hướng được nhà đầu tư? Chúng ta có thể cấm đầu tư hay khuyến khích đầu tư vào ngành này, ngành kia bằng văn bản hành chính, nhưng kinh nghiệm cho thấy, hiệu quả của chúng trong thực tế không được như chúng ta mong muốn.
Trong trường hợp cần huy động vốn Trung Quốc để làm cao tốc Bắc — Nam, nên lựa chọn cách thức nào và khối lượng ra sao? Bài học cao tốc Đà Nẵng — Quảng Ngãi nên được áp dụng trong trường hợp này như thế nào?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: — Phải đấu thầu rộng rãi, minh bạch, không chỉ định thầu, đó là nguyên tắc quan trọng nhất và nó có tác dụng nhất định trong việc ngăn ngừa các nhà đầu tư làm không đúng.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, phải hết sức cẩn trọng vì dù đấu thầu quốc tế công khai, minh bạch rất tốt nhưng nó vẫn phụ thuộc vào người chấm thầu và các vấn đề khác. Nếu chỉ định thầu mà có tâm và sòng phẳng thì còn tốt hơn là đấu thầu mà sử dụng "quân xanh", "quân đỏ". Dĩ nhiên, tôi lưu ý, đấu thầu công khai, minh bạch vẫn là nguyên tắc quan trọng nhất để lựa chọn nhà đầu tư.
Đối với nhà đầu tư nào cũng vậy, không chỉ riêng với Trung Quốc, trước hết, việc khảo sát thiết kế phải làm cẩn trọng, tỉ mỉ, kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là tiến độ xây dựng rất quan trọng. Như dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đội vốn, chậm tiến độ suốt nhiều năm nhưng chúng ta lại thiếu chế tài xử lý nghiêm khắc.
Tôi từng xem giám sát của Nhật Bản thực hiện giám sát một công trình cầu vượt ở Việt Nam. Họ dùng máy để đo chất lượng bê tông mỗi khi có xe chở bê tông vào công trình, xe nào không đạt yêu cầu, lập tức phía giám sát Nhật Bản yêu cầu quay ra.
Cuối cùng, vị trí, vai trò của cơ quan quản lý trong việc quản lý các dự án cũng cần quan tâm.
Nếu chúng ta đầu thầu quốc tế, giám sát quốc tế và yêu cầu chất lượng quốc tế thì phải yêu cầu nghiêm túc thực hiện, phải đúng thời hạn và có chế tài ràng buộc. Chẳng hạn, nếu chậm tiến độ thì nộp phạt, nếu không đảm bảo chất lượng thì làm lại…
Nhưng lâu nay, có cảm giác chúng ta vẫn chưa dám làm một cách chặt chẽ, chính sách, cơ chế của ta vẫn chung chung, đặc biệt hợp đồng thiếu rõ ràng và các yêu cầu ràng buộc, nếu có cũng thiếu kiên quyết. Nếu như đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này, tin rằng chúng ta sẽ không ngán ngại bất cứ nhà đầu tư nào.