Làm gì để loại bỏ các vòng xoáy kiểu này?
Tuổi Trẻ tìm câu trả lời từ PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, trọng tài viên (Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam — VIAC).
Ông Nghĩa nói: Một đặc trưng riêng trong vụ án này là một người được đưa vào lực lượng công an, sau đó được sự hậu thuẫn của công an trong việc kinh doanh.
Từ đấy, cá nhân Vũ "nhôm" mới tạo thế lực, có cơ hội tiếp cận quan chức địa phương, tạo lợi thế để chia sẻ lợi ích, cùng nhau thâu gom tài nguyên, nhất là những tài nguyên khan hiếm như nhà đất, quyền kinh doanh phát triển các dự án bất động sản.
Phân quyền mạnh nhưng thiếu kiểm soát
* Bối cảnh để tạo ra những nhóm lợi ích như trong vụ án Vũ "nhôm" và một số vụ án liên quan đến sai phạm trong quản lý tài sản công, nhất là đất đai, ở đây là gì?
Vũ "nhôm" và nhiều nhà giàu khác phất lên nhanh chóng tựa như ông ta, chỉ hình thành trong bối cảnh sau năm 2006, khi Nhà nước trung ương phân cấp quản lý mạnh mẽ cho 63 tỉnh thành.
* Điều gì khiến Vũ "nhôm" có thể làm mưa làm gió, thao túng quan chức để thâu tóm đất đai như vậy?
— Vũ "nhôm" không thể thao túng nếu không có những người hậu thuẫn. Sau 30 năm chuyển đổi, Việt Nam thành nền kinh tế khá lớn, tạo động lực phát triển cho tất cả các khu vực. Nhưng từ đấy cũng sinh ra những cuộc xung đột về lợi ích.
Chính bối cảnh thay đổi tạo ra những khe hở và cơ hội cho những Vũ "nhôm" lớn mạnh. Những khe hở lớn đó không kịp phát hiện nên họ "chui" qua được.
Mặt khác, các địa phương được phân quyền mạnh trở thành một thế lực ảnh hưởng rất lớn. Như vậy, những vi phạm xảy ra ở địa phương đương nhiên sẽ có một lực lượng che giấu. Nhiều vụ việc sai phạm được "khui" ra hiện nay không phải không ai biết, hay biết từ lâu nhưng không ai dám sờ vào.
Tạo thể chế cạnh tranh giữa khu vực công và tư
* Lâu nay có nhiều đoàn thanh tra các hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công ở các địa phương, nhưng sai phạm đó chỉ thật sự lộ rõ khi công cuộc "đốt lò" nóng lên mấy năm trở lại đây?
— Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói dân họ tinh lắm, họ biết hết. Tuy vậy, do thông tin không minh bạch, thậm chí có khi "tài liệu mật" nên người dân khó có thể biết được.
Song, khi tài nguyên quốc gia bị thôn tính tới mức không còn bưng bít được nữa, nếu không có sự giải thích sẽ khó lấy lại niềm tin của người dân vào chính quyền, nhất là chính quyền địa phương.
* Vậy giải pháp nào để có thể hạn chế những vụ án như Vũ "nhôm" xảy ra, tránh thất thoát tài sản công, thưa ông?
— Những vụ như Vũ "nhôm" cho thấy doanh nghiệp bình phong có rất nhiều ưu thế. Những ưu thế này trên thực tế là nuông chiều khu vực công, một phần khác là nguyên nhân làm tha hóa và mất cán bộ.
Do vậy cần phải thực hiện các cam kết quốc tế, ép khu vực công minh bạch, công khai hơn. Hoặc tài nguyên quốc gia hiện nay phải làm rõ quyền được biết của người dân. Đất bây giờ có chủ, không có chuyện đất vô chủ, ai lấy làm dự án dân phải biết…
Thực tế, không cần phải làm thêm luật mà chỉ cần thực thi tốt những cam kết quốc tế và quy định pháp luật hiện hành. Như vậy cũng đã kiềm chế được những nhóm lợi ích như Vũ "nhôm" cố tình thao túng, thâu tóm tài sản công. Không để của cải công chảy vào túi một nhóm người hay một số người.
Lôi gần 30 cựu quan chức vào lao lý
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tín — nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM — cùng 7 bị can khác cũng đã bị khởi tố.
Hai cựu thứ trưởng Bộ Công an là Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành cũng bị khởi tố, xét xử về những sai phạm nghiêm trọng từ khi còn công tác, cùng với đó là cựu trung tướng Phan Hữu Tuấn — nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục 5, và ông Nguyễn Hữu Bách — cán bộ Bộ Công an.