Những ngày qua, thông tin về việc chùa Ba Vàng tổ chức ‘thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ' thu số tiền lớn gây xôn xao dư luận.
Trong đó, bà Phạm Thị Yến là nhân vật thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người.
Mặc dù không có chức vị cao nhưng người phụ nữ này có sức ảnh hưởng rất lớn tại chùa Ba Vàng.
Trao đổi với VietNamNet, bà Phạm Thị Thúy (SN 1967, trú tại Khu 3, phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long) — chị gái ruột của bà Phạm Thị Yến khẳng định, bà Yến không có khả năng ‘hô mưa, gọi gió', ‘thỉnh vong' hay chữa bệnh bằng tâm linh như các trang web rầm rộ đăng tải.
Bà Thúy kể:
‘Mẹ tôi là nạn nhân của trò cúng ‘oan gia trái chủ'. Ngày còn khỏe mạnh, mẹ của bà Thúy là người tin vào Phật pháp, thường xuyên tu tập, ăn chay. Khi bị tai biến mạch máu não, gia đình hết lòng chạy chữa, đưa cụ xuống bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương điều trị. Nhờ tích cực tập vật lý trị liệu, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tình hình của cụ tiến triển tốt, tập đi lại nhẹ nhàng. Sau đó, không hiểu con gái (tức bà Yến) dùng cách gì, khiến cụ mê muội, tin vào việc ‘cúng oan gia trái chủ'. Cụ quyết định dừng điều trị thuốc, đóng tiền để giải nghiệp ở chùa Ba Vàng, khiến tình hình sức khỏe ngày càng trầm trọng.
Một thời gian sau, cụ còn phát hiện thêm khối u ác tính trong ruột. Các con đưa cụ cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển xuống bệnh viện ở Hà Nội chữa bệnh. Cụ điều trị khoảng 20 ngày, bà Thúy có việc gấp nên nhờ bà Yến thay phiên chăm sóc vài hôm.
‘Lúc này tình trạng mẹ tôi khá yếu, huyết áp và tiểu đường liên tục tăng cao. Thường xuyên phải có người túc trực trông nom, sử dụng thuốc để điều chỉnh huyết áp, lượng đường trong máu.
Một hôm, đám người ‘thân tín' bí mật đưa mẹ trốn viện ở Hà Nội về chùa Ba Vàng với lý do hưởng phúc thọ nhân dịp Bát Quan Trai giới (một phương pháp tu hành của phật tử tại gia, áp dụng trong một ngày một đêm (24 giờ) — pv).
Chẳng ngờ, đêm đó bà nằm một mình ở chùa Ba Vàng, huyết áp đột ngột lên cao nhưng không ai bên cạnh cho uống thuốc.
Khi đưa về đến nhà, bà đã rơi vào trạng thái nguy kịch. Cô Mai (thân tín của bà Yến — nv) kêu, cụ khó qua khỏi, có lẽ chỉ chờ chết.
Sau câu nói đó, tình trạng mẹ tôi xấu hơn. Huyết áp bà tăng vọt lên 240 mmHg, cấm khẩu rồi qua đời', bà Thúy nhớ lại.
Chứng kiến em gái ngày càng lún sâu vào chuyện mê tín, đau lòng hơn, chính sự cuồng tín đó là một phần gây nên cái chết của mẹ nên bà Thúy nhiều lần khuyên nhủ em gái nhưng bà Yến bỏ ngoài tai.
"Tôi nói với em gái, nếu ‘thỉnh oan giá trái chủ' linh nghiệm, vậy tại sao mẹ làm lễ rồi vẫn mắc bệnh huyết áp, mắt bị mờ, mổ cũng không khỏi. Chưa kể còn bị ung thư', bà Thúy nói tiếp.
Vẫn lời bà Thúy, thủa nhỏ bà Yến học giỏi, là người con hiếu thảo, kính trên nhường dưới, sống tình cảm với anh, chị em ruột thịt. Ngày mới kết hôn, bà Yến có cuộc sống yên ấm bên người chồng hiền lành, đức độ, luôn yêu chiều vợ con.
Từ ngày vướng vào ‘sự nghiệp giải oan gia trái chủ', bà Yến hoàn toàn thay đổi tâm tính, lạnh nhạt với người thân.
Người phụ nữ này cho biết, thời gian đầu, bà cũng lên chùa Ba Vàng làm công quả, hỗ trợ nhà chùa vì cảm thấy rất thư thái. Nhưng sau bà không đặt chân lên đó lần nào nữa.
‘Tôi bị đau bụng, sức khỏe giảm sút, nhóm đệ tử của Yến ngọt nhạt khuyên tôi ‘thỉnh vong', tiêu trừ nghiệp chướng.
‘Vong' phán số tiền tôi nợ tiền kiếp là 11 triệu 500 nghìn đồng. Tôi nói không có tiền, ‘vong; sẵn sàng hạ giá, đưa ra con số 700 nghìn đồng và cuối cùng là 500 nghìn đồng. Tôi cảnh giác, cho rằng hành vi đòi tiền của 'vong' có nhiều khuất tất nên từ chối nộp', bà Thúy chậm rãi kể.
‘Một phụ nữ làm nghề kinh doanh gỗ ở Hà Nội bị cảm chạy vào trong dẫn đến đến hỏng thị lực. Chị lên Ba Vàng nghe giảng pháp, bị dọa là nợ tiền kiếp nhiều, nếu cúng số tiền 150 triệu đồng sẽ tiêu tan nghiệp chướng, khỏi bệnh.
Chị chuẩn bị mang tiền lên chùa thì vô tình gặp tôi. Tôi biết chuyện giải thích rõ với chị. Nghe tôi phân tích, người này từ bỏ luôn ý định mang tiền giải nghiệp.
Sau này gặp lại, chị kể được bác sĩ tích cực sử dụng phác đồ phù hợp nên mắt chị bắt đầu nhìn được mờ mờ', bà Thúy chia sẻ thêm.