Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia an ninh năng lượng độc lập Omid Shukri Kalehsar, người Iran sống ở Washington, bình luận về tình huống này. Ông lưu ý rằng, các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela sẽ giúp Mỹ chiếm lĩnh thị phần của hai nước này.
Nhờ kết quả của cuộc cách mạng đá phiến, Hoa Kỳ, nước trước đây đã nhập khẩu dầu thô, có thể tự cấp năng lượng và trở thành một trong những nhà cung cấp khí đốt và LNG (khí hóa lỏng) lớn nhất cho cả các nước láng giềng và các đồng minh, chủ yếu cho châu Âu. Đối với Hoa Kỳ, việc xuất khẩu năng lượng là một yếu tố ảnh hưởng trong mối quan hệ với các quốc gia khác. Và yếu tố này cùng với các biện pháp trừng phạt là nhân tố chủ chốt quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ.
Mỹ đã nhiều lần áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Đợt trừng phạt gần đây nhất được áp dụng vào ngày 4 tháng 11 năm ngoái dẫn đến việc lượng dầu thô xuất khẩu của Iran giảm đáng kể. Nếu Mỹ tiếp tục chính sách trừng phạt và nếu vào tháng 5 họ không gia hạn khoản thời gian miễn trừ lệnh trừng phạt được cấp cho tám quốc gia – các nhà nhập khẩu dầu của Iran, có khả năng lượng dầu thô xuất khẩu của Iran sẽ giảm hơn nữa.
Nói về các mục tiêu của chính sách này, chuyên gia Iran nhận xét rằng, Hoa Kỳ đã giành danh hiệu nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, và các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela giúp Mỹ chiếm lĩnh thị phần của hai nước này trên thị trường thế giới. Điều này có liên quan không chỉ đến Hoa Kỳ, mà còn đến các quốc gia khác sản xuất dầu mỏ, bao gồm cả các thành viên OPEC và các quốc gia không tham gia tổ chức này. Nếu các hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của Iran và Venezuela được duy trì mức ổn định, không ai có thể chiếm lĩnh thị phần của họ; do đó, các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela không chỉ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ mà còn cho cả OPEC.