Vấn đề này cực kỳ nghiêm trọng đối với Bangladesh - một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Á. Trong vài năm qua, hơn một triệu người đã trốn sang lãnh thổ Bangladesh từ Myanmar, đại đa số từ bang Rakhine (Arakan) của Myanmar.
Những người tị nạn này thuộc dân tộc Rohingya, truyền thông gọi những người này là "người Hồi giáo Bengali". Ngay dưới sự thống trị của thực dân Anh trên lãnh thổ hiện nay của Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar, (khi đó ba nước này không có biên giới) người Rohingya đã chuyển từ Bangladesh hiện tại sang khu vực phía tây của Myanmar để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Vào đầu thế kỷ 21, số người Rohingya ở bang Rakhine (Arakan) đã lên tới một triệu rưỡi người.
Người Rohingya bị từ chối không được cấp quốc tịch tại Myanmar. Họ không có gì chung về mặt sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tín ngưỡng với các nhóm dân tộc cơ bản của Myanmar hoặc với cư dân bản địa của bang Rakhine. Khác với gần 90% dân số Myanmar theo Phật giáo, người Rohingya là một dân tộc Hồi giáo. Hơn nữa, khác với Ummah Hồi giáo truyền thống của Myanmar là những người duy trì mối quan hệ thân thiện với Phật tử và với chính phủ của đất nước, người Rohingya theo đuổi việc thành lập một nhà nước Hồi giáo trên một phần bang Rakhine. Vào tháng 10 năm 2016, lực lượng mang tên Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya (Arsa) đã tấn công vào các đồn cảnh sát, còn vào tháng 8 năm 2017 các chiến binh Rohingya đã đụng độ trực tiếp với quân đội Myanmar. Phản ứng của chính quyền Myanmar là hành động quân sự, mà Liên Hợp Quốc coi đó là cuộc thanh lọc sắc tộc và cuộc diệt chủng người Rohingya.
Kết quả của các cuộc đụng độ vào những năm 2016 - 2017 là hàng nghìn người Rohingya đã trốn chạy khỏi bạo lực tới Bangladesh, - chuyên gia Aida Simonia, nhà nghiên cứu Nga nhận xét. - Sự hiện diện của họ trở thành một gánh nặng lớn đối với một quốc gia quá đông dân, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và nền kinh tế của Bangladesh. Vào tháng 11 năm 2017, Bangladesh và Myanmar đã đạt được thỏa thuận hồi hương cho người Rohingya sẽ bắt đầu vào tháng 12. Đồng thời, chính phủ Myanmar hứa sẽ cho 100-150 người đi qua biên giới mỗi ngày. Với tốc độ này, quá trình hồi hương có thể kéo dài mười năm. Nhưng, quá trình này vẫn chưa bắt đầu bởi vì chưa có bản đồ lộ trình về sự hội nhập của những người tị nạn vào xã hội Myanmar.
Vào mùa hè năm 2018, chính quyền Myanmar và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn đã ký thỏa thuận về các điều kiện người tị nạn Rohingya trở về Myanmar. Đồng thời, các đại diện của Liên Hợp Quốc khẳng định rằng, những người tị nạn phải có quyền di chuyển tự do trong nước, và Myanmar phải thực hiện thủ tục cấp quốc tịch cho tất cả những người Rohingya.
Theo chuyên gia Aida Simonia, Myanmar muốn để nơi sinh sống của hai cộng đồng người Rohingya và cư dân bản địa của bang Rakhine bị tách khỏi nhau, để không tạo động cơ cho các cuộc xung đột. Nói chung, người dân địa phương của bang Rakhine không chờ đợi sự trở lại của người tị nạn. Họ có đủ cơ sở để cho rằng, những chiến binh của Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya sẽ thâm nhập vào bang Rokhine cùng với những người tị nạn. Hơn nữa, những chiến binh hoạt động tại các trại tị nạn ở Bangladesh đe dọa giết chết những người Rohingya bày tỏ ý muốn về Myanmar. Và nhiều người tị nạn không muốn trở về Myanmar vì cho rằng thái độ đối với Rohingya ở nước này vẫn không thay đổi. Ngoài ra, chính người Rohingya là những kẻ vận chuyển ma túy từ Myanmar đến Bangladesh. Vì có thu nhập khá cao từ việc này, những gia đình này không có ý muốn trở về Myanmar, còn những khoản tiền đó bổ sung cho ngân sách của Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi nỗ lực hồi hương người Rohingya dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc vào cuối năm ngoái đã thất bại hoàn toàn.
Xét theo mọi việc, Liên Hợp Quốc đã nhận thực được rằng, vấn đề hồi hương người tị nạn Rohingya là rất phức tạp. Nhiều khả năng, những người này sẽ phải ở lại các trại tị nạn trên lãnh thổ Bangladesh trong hơn một năm. Bây giờ Liên Hợp Quốc hứa sẽ hỗ trợ chính quyền Bangladesh di chuyển một trại tị nạn sang nơi khác, ít đông đúc hơn, và xây dựng một trại mới cho 100 ngàn người trên một hòn đảo ở Vịnh Bengal.