Phát biểu tại diễn đàn “Du lịch outbound Việt Nam – Cơ hội và thách thức” được tổ chức ngày 29/3 tại Hà Nội, ông Đoàn Ngọc Xuân – Vụ trưởng vụ VHXH, Ban kinh tế TW cho biết, vài năm trở lại đây người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng.
Ứng xử xấu xí của người Việt khi đi du lịch nước ngoài
Theo số liệu thống kê, nếu như năm 2016, có khoảng 6,6 triệu lượt người thì đến năm 2018 số lượng khách Việt đi du lịch nước ngoài đã chạm ngưỡng gần 10 triệu lượt.
Không chỉ quan tâm đến thị trường Đông Nam Á mà các thị trường chi tiêu cao như: Châu Âu, Châu Mỹ, Úc… cũng thu hút rất đông du khách Việt. Điều này không chỉ phản ánh đời sống của người Việt ngày càng được nâng cao mà còn cho thấy sự chuyển mình ấn tượng của hoạt động outbound. Tuy nhiên, thời gian vừa qua còn xảy ra nhiều bất cập trong công tác quản lý cũng như tổ chức hoạt động du lịch này.
Trong đó, văn hóa ứng xử của người Việt khi ra nước ngoài còn chưa cao, bộc lộ nhiều thói quen xấu xí như: nói to nơi công cộng, tranh taxi, ăn buffet không xếp hàng… Đặc biệt, gần đây xuất hiện hiện tượng, nhiều công ty núp bóng doanh nghiệp du lịch, đưa người lao động sang: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… rồi bỏ trốn.
Việc làm ăn chộp giật của các công ty ma này đã khiến cho các đơn vị du lịch chân chính bị liên lụy, gặp nhiều khó khăn trong việc đưa khách sang các thị trường này. Ngoài ra, hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cũng trở nên “méo mó”, không đẹp mắt.
Ông Ngô Hoài Chung – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, cách đây 2 năm trong một hội thảo tổ chức tại Hà Nội, một hướng dẫn viên đã “than trời” về ý thức đối phó của người Việt khi đi du lịch. Cụ thể, tại các nơi công cộng của nước bạn khi có quy định thì người Việt tuân thủ tốt nhưng khi về phòng khách sạn thì bộc lộ ngay những thói xấu như: sử dụng phòng bừa bãi, nhếch nhác, mất vệ sinh…
Bà Nguyễn Thị Ái Phương – Trưởng phòng Outbound (Saigontourist) thừa nhận, chính những hình ảnh xấu xí trên đã khiến cho nhiều nước hạn chế cấp visa cho khách du lịch Việt Nam.
Gần đây nhất, vụ 152 người Việt Nam đi du lịch Đài Loan rồi bỏ trốn khiến chính phủ nước này đã phải ra quyết định tạm dừng chính sách visa Quan Hồng cho Việt Nam. Vụ việc không chỉ khiến hình ảnh du khách Việt trở nên xấu xí mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng khiến các công ty du lịch uy tín gặp khó khăn trong việc đưa khách đến thị trường này.
Ngoài ra, theo bà Phương hiện nay nhu cầu người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng cũng dẫn đến thực tế, nhiều công ty làm ăn “chộp giật”, bát nháo, hạ giá tour thấp dẫn đến chất lượng dịch vụ không đảm bảo.
“Thay vì đưa khách đến các điểm tham quan, trải nghiệm thì các công ty này lại đưa khách đi mua sắm, từ đó làm cho khách mất niềm tin, ảnh hưởng đến hình ảnh của các công ty du lịch làm ăn chân chính, uy tín”, bà Phương nói.
Cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho người Việt khi đi du lịch
Ông Phùng Quang Thắng – Giám đốc Hanoitourist cho rằng, người Việt đi nước ngoài ngày càng có xu hướng tăng, hoạt động outbound vì thế cũng trở thành một trong những hoạt động chính của ngành du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, việc quản lý chưa chặt chẽ, lượng văn bản chính thức hướng dẫn về du lịch outbound còn ít, chưa đầy đủ đã dẫn đến hàng loạt các bất cập, hạn chế trong hoạt động outbound thời gian vừa qua.
“Việc thiếu thông tin khiến khách du lịch khó có thể tra cứu, nhận diện các doanh nghiệp nào được tổ chức du lịch outbound, doanh nghiệp nào không, điều này dẫn đến sự bát nháo, đánh đồng”, ông Thắng nói.
Ông Thắng đề xuất, du lịch cho người người Việt ra nước ngoài thời gian tới cần được định hướng, tăng cường việc quản lý của các cơ quan chức năng để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp và hạn chế hiện tượng phá giá thị trường, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh các chương trình hành động nâng cao hình ảnh khách du lịch Việt ở nước ngoài như: in ấn quy tắc ứng xử, hoạt động tuyên truyền nhưng cần phải có sự đầu tư, tăng cường và có sự đánh giá kết quả thường xuyên thay vì “hô hào” theo phong trào như trước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hoan (Tổng Giám đốc HanoiRedtours) thẳng thắn cho rằng, thời gian qua việc thành lập các công ty outbound quá dễ dàng, đơn giản đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong quản lý, kiểm soát hoạt động.
“Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải bổ sung thêm các yêu cầu, điều kiện khi cấp giấy phép cho các doanh nghiệp outbound tránh tình trạng tăng nhanh số lượng nhưng chất lượng lại không đảm bảo”, ông Hoan nói.
Ngoài ra, theo ông Hoan, việc phát triển nhanh hoạt động outbound nhưng hiện nay đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này lại chưa được chú trọng, đào tạo dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng. Đây cũng chính là một trong những thách thức, rào cản mà các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp giải quyết trong thời gian tới.
Ông Ngô Hoài Chung – Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch thừa nhận hoạt động outbound trong thời gian vừa qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng lại chưa được khuyến khích, nhìn nhận đúng giá trị.
Để chấn chỉnh, hạn chế những bất cập trong hoạt động outbound, ông Chung cho rằng cần phải có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng từ TW đến địa phương. Ngoài ra, phải có chế tài đủ mạnh, có sức răn đe để xử lý các doanh nghiệp khi vi phạm hoạt động kinh doanh.
Đối với các hành vi “xấu xí” của du khách Việt tại nước ngoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch cho biết, đơn vị này đang tham khảo các cơ quan chuyên môn để xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài.