Áp lực giáo viên chủ nhiệm
Hiện UBND huyện Ân Thi (Hưng Yên) đã thành lập hội đồng kỷ luật và đang thực hiện quy trình kỷ luật với những giáo viên liên quan tới vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng ở Trường THCS Phù Ủng.
Khi vụ việc xảy ra, dư luận không ngừng đặt câu hỏi “giáo viên, nhà trường ở đâu khi để học sinh bị đánh, bắt nạt trong thời gian dài mà không hay biết”. Đặc biệt, khi biết chuyện lại xử lý theo hướng xuê xoa, không có tính răn đe.
Không ít ý kiến đồng tình với chỉ đạo xem xét cách chức ban giám hiệu, kỷ luật nghiêm giáo viên chủ nhiệm vì thiếu trách nhiệm trong sự việc. Một luồng ý kiến khác lại cho rằng không nên đổ hết lỗi cho giáo viên hay hiệu trưởng.
Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội- cho biết, trong vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên, có thể thấy giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng đều thiếu kỹ năng xử lý tình huống xảy ra trong trường học trong thời đại truyền thông và mạng xã hội phát triển.
Trong khi vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong trường học là rất quan trọng. Chủ nhiệm lớp đồng nghĩa với một “bảo mẫu” cho tất tần tật mọi vấn đề phát sinh của lớp, từ chuyện học, chơi, ứng xử, đạo đức, đứng ra phân xử, điều hòa các mối quan hệ trong lớp học.
“Vai trò quan trọng như vậy, nhưng giáo viên chủ nhiệm chưa được huấn luyện, chưa có kỹ năng để xử lý sự việc, đặc biệt là cách giáo dục và xử lý khi học sinh mắc lỗi. Ngoài ra, giáo viên hiện nay cũng phải chịu rất nhiều áp lực từ phía học sinh, phụ huynh, dư luận xã hội, không có vị thế cần thiết để giải quyết được các tình huống. Khi không có được vị trí cần thiết, chưa được huấn luyện, giờ đổ hết trách nhiệm cho họ là chưa thỏa đáng” - TS Lâm nhấn mạnh.
Qua sự việc này, TS Lâm cho rằng ngành giáo dục, các trường đào tạo sư phạm, bên cạnh việc dạy và yêu cầu về chuyên môn, thì cần tăng cường đào tạo, cung cấp cho giáo viên, lãnh đạo nhà trường các kỹ năng xử lý, điều hòa các mối quan hệ xảy ra trong nhà trường trong bối cảnh mới.
Phải xử nghiêm để cảnh tỉnh
Cũng nêu quan điểm về sự việc, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng – cho rằng có trách nhiệm của gia đình khi các nữ sinh kết bè nhóm, bắt nạt kẻ yếu thế. Tuy nhiên, câu chuyện xảy ra tại lớp học, trong thời gian dài, thì nhà trường vẫn phải chịu trách nhiệm chính.
“Dù có nhiều ý kiến cho rằng, sau vụ việc, nếu cách chức cả Ban Giám hiệu nhà trường là quá nặng, bởi Ban Giám hiệu khó mà quản được việc học sinh đánh nhau. Giáo viên cũng không thể quán xuyến hết được. Tuy nhiên, việc học sinh bạo hành bạn trong thời gian dài mà nhà trường không thấy, thì đúng là khó chấp nhận.
Tôi cho là mức phạt nặng này là hình thức để cảnh tỉnh các cơ sở giáo dục phải tăng cường quản lý, không để xảy ra các sự việc tương tự. Còn xử ở mức nào thì tùy từng trường hợp, bảo đảm không để buông lỏng quản lý”- TS Nguyễn Viết Chức cho biết.
Ông cũng cho rằng, khi xảy ra sai phạm thì nhà trường phải bị xử lý, nhưng không có nghĩa là khoán trắng cho thầy cô, nhà trường.
TS Chức nhấn mạnh: “Giáo dục gia đình rất quan trọng. Ông bà, bố mẹ phải sống có trách nhiệm, tử tế, nêu gương cho con trẻ. Nếu bố mẹ hung hãn, mâu thuẫn, đánh chửi nhau thì con cái không thể ngoan được.
Gia đình không thể khoán trắng con em mình cho nhà trường từ việc học đến giáo dục tư cách đạo đức. Xã hội cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này, người lớn phải nêu gương tốt, thấy sự bất bình phải can ngăn. Nếu không, bạo lực có thể xảy ra bất cứ đâu”.