Hiện, Việt Nam có khoảng 70 triệu thẻ nội địa nằm trong lộ trình chuyển đổi sang thẻ chip theo chuẩn VCCS. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu chậm chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, Việt Nam có thể trở thành tâm điểm của tội phạm thẻ trước vấn nạn các vụ giả mạo thẻ skimming (ăn cắp thông tin thẻ từ ATM) đang ngày càng gia tăng.
Chuyên gia kinh tế - ngân hàng Bùi Quang Tín cho biết, tính bảo mật và phần mềm công nghệ của thẻ chip an toàn hơn thẻ từ rất nhiều. Các nước trên thế giới đã sử dụng loại thẻ này từ nhiều năm nay, còn tại Việt Nam, việc chuyển đổi này mới chỉ nằm trong lộ trình.
Trong vài năm trở lại đây, đã xuất hiện nhiều vụ hacker tấn công tài khoản ATM của khách hàng để lấy tiền, với số tiền từ chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Sở dĩ kẻ gian "đột nhập" vào tài khoản ATM dễ dàng như vậy là do tính bảo mật, độ an toàn của thẻ từ khá thấp.
Phân tích mánh khóe của kẻ gian, ông Tín cho hay, thủ đoạn của kẻ gian khi đột nhập vào cây ATM để lấy tiền rất tinh vi nhưng cũng khá đơn giản. Thông thường chúng lắp 1 thiết bị nhỏ tại cửa đẩy thẻ vào, thiết bị này rất mỏng có camera chụp hình, có thể lưu lại mật khẩu và những thông tin trên thẻ, chỉ với các yếu tố đó kẻ gian đã có thể rút tiền thành công.
Từ thực tế trên, TS. Tín khẳng định, trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc nâng cấp từ thẻ từ sang thẻ chip cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy vậy, ông Tín cũng quan ngại, "công cuộc" chuyển đổi này sẽ phải đối mặt với một số khó khăn như vốn để nâng cấp công nghệ. Các ngân hàng sẽ phải mua công nghệ mới để nâng cấp công nghệ cũ, việc đầu tư này khá tốn kém, do đó nhiều ngân hàng đang gặp vướng mắc ở vấn đề này.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối quý 3/2018, số liệu thẻ ATM do các ngân hàng phát hành là 147,3 triệu thẻ. Với tỷ lệ 30% số thẻ chuyển từ băng từ sang thẻ chip nội địa đến cuối năm 2019 thì có khoảng 44,19 triệu thẻ phải chuyển đổi trong những tháng tới. Tuy nhiên do lượng thẻ "chết" khá nhiều nên tổng lượng thẻ hiện là khoảng 80 triệu thẻ, trong đó 70 triệu thẻ ATM sử dụng công nghệ từ nên khả năng số lượng thẻ cần chuyển đổi vào khoảng 21 triệu thẻ.
Theo tính toán, chi phí phát hành một thẻ công nghệ chip vào khoảng 35.000 đồng/thẻ, nếu chuyển đổi khoảng 44 triệu thẻ ATM băng từ sang chip thì tốn khoảng 1.500 tỷ đồng. Cách đây 10 năm, số lượng thẻ ATM do các ngân hàng phát hành vào khoảng 17 triệu thẻ, nếu làm tại thời điểm đó thì đã không tốn nhiều tiền như vậy.
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vấn đề thực hiện chuyển đổi còn phụ thuộc vào quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng trong hệ thống. Việc chuyển đổi cần có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2020. Theo đó, cần đề ra mục tiêu chuyển đổi cho mỗi tháng, mỗi quý, cần phải làm những công việc gì, các ngân hàng phải phối hợp ra sao… Tóm lại, phải có những bộ phận, đầu mối, trong hệ thống ngân hàng để cùng phối hợp triển khai, nếu không, mục tiêu chuyển đổi sẽ khó thành hiện thực.
"Ngoài vấn đề liên kết thì các ngân hàng phải chịu khó đầu tư về mặt công nghệ. Bởi hiện nay, nhiều ngân hàng có đầu tư nhưng vẫn chưa đủ, các ngân hàng nhỏ phải sử dụng hệ thống hạ tầng của ngân hàng lớn để khai thác khách hàng. Điều này tạo ra sự thiếu công bằng, cho nên các ngân hàng phải đầu tư đồng loạt, chia sẻ chi phí với nhau, cùng nhau phát triển", chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho hay.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, theo lộ trình, đến cuối năm nay, ít nhất 30% thẻ thanh toán phải chuyển sang thẻ chip. Đến 31/12/2020, 60% thẻ thanh toán phải chuyển sang thẻ chip và đến cuối năm 2021 toàn bộ thẻ thanh toán trên thị trường là thẻ chip.
Theo ông Sơn, cùng với việc ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật của thẻ chip, NHNN cũng công bố Tiêu chuẩn cơ sở "Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam", nhằm khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai thanh toán qua QR Code áp dụng theo một tiêu chuẩn kỹ thuật chung, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu, tránh việc lãng phí nguồn lực, thời gian, chi phí và giảm tối đa các rủi ro có thể phát sinh.