Gặp Zing.vn vào buổi sáng đầu tháng 4, khi thông tin về ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó VKSND Đà Nẵng, có hành vi dâm ô bé gái trong thang máy tràn ngập từ các trang báo đến mạng xã hội, ông Phan Thanh Trà (46 tuổi) trầm ngâm, nhớ những ngày bị ông Linh "ném" vào trại tạm giam.
Hơn 1 năm qua, ông Trà và ông Nguyễn Tấn Bình (41 tuổi, cùng trú TP Đà Nẵng) đi khiếu nại khắp nơi để đòi công bằng, bồi thường oan sai. Trong ánh mắt uất ức, ông Trà lóe lên tia hy vọng khi VKSND TP Đà Nẵng vừa thông báo thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường oan sai và xin lỗi công khai.
Phê chuẩn lệnh bắt người vô tội
Đến chết, ông Trà cũng không bao giờ quên cái ngày cuối tháng 3/2017. Ông thất thần, ù tai, mọi thứ chung quanh chao đảo như sắp sụp đổ, chân đứng không vững khi cơ quan An ninh điều tra (ANĐT), Công an TP Đà Nẵng, tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông và ông Bình về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người phê chuẩn các quyết định tố tụng trên để tống ông Trà vào trại tạm giam hôm 24/3/2017 và ông Bình cũng bị "nhập kho" sau đó vào ngày 9/5/2017, là ông Nguyễn Hữu Linh, với tư cách Viện phó VKSND TP Đà Nẵng.
"Lúc đó, cả tôi và anh Bình không hiểu vì sao mình bị khởi tố, bắt tạm giam, mọi thứ đều quá khó hiểu, mờ ám", ông Trà uất ức.
Sau gần 7 tháng bị tạm giam để điều tra, ngày 19/10/2017 ông Trà mừng phát khóc khi được tại ngoại hậu tra, nhưng "sao la hầu" vẫn chưa tha cho ông.
Dĩ nhiên, ông bị cấm đi khỏi nơi cư trú, số phận bị can vẫn bám chặt lấy ông Trà, nhưng với một người vừa trải qua 7 tháng kinh hoàng trong tù, việc được tại ngoại, được ở trong nhà đã là niềm hạnh phúc vô biên trong hoàn cảnh ấy. Chẳng phải đã có câu "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" đó sao.
11 ngày sau khi ông Trà được ra khỏi cổng trại tạm giam, ông Bình cũng được tại ngoại hậu tra.
Sau 8 tháng điều tra, Công an Đà Nẵng có văn bản đề nghị truy tố 2 bị can này. Và ngày 20/11/2017, ông Nguyễn Hữu Linh cũng chính là người ký vào cáo trạng buộc tội, truy tố 2 công dân ở Đà Nẵng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng do ông Linh ký, từ tháng 8/2013 đến tháng 2/2014, ông Bình và ông Trà đã thông đồng với nhau thực hiện hành vi thi công lắp máy không đúng với hợp đồng đã ký.
Hai người này bị cáo buộc thay đổi máy mới thành máy cũ, chiếm đoạt phần chênh lệch 430 triệu đồng của Công ty cổ phần Chef Meat Việt Nam, có địa chỉ ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Nhận bản cáo trạng, cả ông Bình và ông Trà như ngồi trên lửa. Nhưng họ vẫn tin vào công lý nên lặn lội khắp các cơ quan công quyền gõ cửa kêu oan. Cuối cùng, đơn kêu cứu của 2 người cũng đến VKSND Tối cao và cơ quan này đề nghị các cơ quan tố tụng, công tố ở Đà Nẵng xem xét lại vụ án.
Khi vụ án chưa được TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử thì ngày 13/4/2018, ông Nguyễn Hữu Linh ký quyết định đình chỉ vụ án.
Trong quyết định đình chỉ vụ án, ông Linh viện dẫn các Điều 41, 236, 240, 248 của Bộ luật Hình sự, khẳng định hành vi của Nguyễn Tấn Bình và Phan Thanh Trà không cấu thành tội phạm.
"Gần 1 tháng sau, cơ quan An ninh điều tra mới gọi tôi lên, đưa cho tôi quyết định đình chỉ vụ án nhưng không có giải thích gì", ông Trà nói với Zing.vn.
Đi kêu oan đến bại sản
Ông Trà và ông Bình cho biết suốt hơn 1 năm mang thân phận bị can, gia đình họ đã bán gần hết tài sản để đi khiếu nại, kêu oan. Họ từng là một gia đình yên ấm, có kinh tế khá giả nhưng trở nên nghèo khó, thất nghiệp.
Được sự ủy quyền của thân chủ, luật sư Phạm Chiến (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) đã có văn bản đề nghị các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 2 người bị oan sai.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty cổ phần Chef Meat Việt Nam (Chef Meat) đóng trên địa bàn quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) do ông Kamogari Yamato làm tổng giám đốc (đại diện cho đối tác Nhật Bản góp vốn 51%) và ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch kiêm Phó tổng Giám đốc (đại diện cho Việt Nam góp vốn 49%).
Trong quá trình xây dựng Nhà máy Chef Meat, Công ty Trí Tuệ Việt do ông Bình làm giám đốc nhận thầu thi công hệ thống cơ điện. Ông Bình đã giới thiệu ông Phan Thanh Trà, Giám đốc Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê, ký hợp đồng kinh tế với Chef Meat, nhận lại công việc của mình.
Do gấp rút để dự án kịp hoạt động, ông Trà không chắc chắn chất lượng thiết bị Trung Quốc có đảm bảo để hệ thống hoạt động ở nhiệt đô -250 độ C. Lúc này, ông Trà đã thay đổi máy nén nhập khẩu từ Trung Quốc như trong hợp đồng (mới 100%) sang máy nén đã qua sử dụng do Nhật Bản sản xuất.
Về việc này, ông Trà đã chủ động làm việc với Chef Meat để thương lượng sửa sai và khắc phục bồi thường. Mặt khác, từ khi lắp đặt và đưa vào sử dụng đã hơn bốn năm, tất cả máy móc, thiết bị mà ông Trà lắp đặt được chủ đầu tư xác nhận hoạt động bình thường.
Trong điều khoản hợp đồng này có nêu rõ bất kỳ trường hợp tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết trên tinh thần thương lượng, hòa giải. Nếu thương lượng, hòa giải không thành, tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại TAND có thẩm quyền tại Đà Nẵng giải quyết.
Luật sư Chiến cho rằng việc cơ quan ANĐT thụ lý vụ án trên là sai chức năng, đáng lẽ phải là cảnh sát. Chuyên gia pháp lý tại Đà Nẵng cho rằng cơ quan tố tụng đã hình sự hóa hợp đồng kinh tế.
Theo thông tư quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an Nhân dân thì cơ quan ANĐT không phải là đơn vị thụ lý những án trong Điều 139 Bộ luật Hình sự. Và với việc tiếp tay của ông Linh bằng cách phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, đã đẩy những con người vô tội lâm cảnh tù tội, để rồi họ phải tán gia bại sản vì kêu oan, đòi lại danh dự.