Câu chuyện nhiều cán bộ, cá nhân có dấu hiệu sai phạm trong vụ việc “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn, xây dựng trái phép, cũng như chuyển nhượng mua bán đất không đúng quy định pháp luật đã khiến dư luận "dậy sóng" trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nhất là sự vào cuộc khẩn trương của các sở, ngành và chính quyền địa phương liên quan, một số trường hợp cán bộ đã bị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Hơn nữa, việc quyết liệt của cả hệ thống chính trị là tín hiệu tích cực, khiến người dân tin tưởng việc xử lý sai phạm sẽ được thực thi quyết liệt và nghiêm minh đúng người, đúng vi phạm.
Không phải ngẫu nhiên, trong một thời gian dài, từ quán trà đá đến nghị trường Quốc hội, dư luận đều "nóng" chuyện xử lý sai phạm vụ "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn, bởi sai phạm đã quá rõ, nhưng theo phản ánh của người dân, việc xử lý của các ngành, các cấp còn "nhỏ giọt", thậm chí một số ý kiến còn hoài nghi, có hay không việc xử lý "phạt cho tồn tại"?
Kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội đã chỉ rõ: Có 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp phát hiện từ năm 2008, nhưng không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới. Đến năm 2017, huyện Sóc Sơn mới xác định 555 công trình vi phạm, nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý. Kết quả thanh tra cũng cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều.
Còn nhớ, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI, đại biểu Dương Trung Quốc đã đề cập đến vấn đề "phạt cho tồn tại" nghe rất đơn giản, rất phổ biến nhưng là sự tích tụ, một quá trình hủy hoại luật pháp, phá hoại bộ máy công quyền. Để ví dụ cho vấn đề này, ông đưa dẫn chứng về vụ việc cụ thể; trong đó có vụ việc rừng phòng hộ ở Sóc Sơn.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng:
“Những việc vừa nảy sinh ở trên khu rừng phòng hộ ở Sóc Sơn rõ ràng cho thấy bộ máy chính quyền ở địa phương phải chịu trách nhiệm, vì chắc chắn không có gì lọt qua mắt nhưng mà có những cái lọt qua tay. Vì thế, tôi mong rằng đây là việc làm cần thiết, cần có lộ trình để luật pháp được thực thi...”.
Đồng quan điểm, Luật sư Giang Văn Quyết (Công ty Tôi yêu Luật) cũng cho rằng: Những công trình xây dựng trái phép ở Sóc Sơn là một trong những ví dụ để nói về sự bức xúc của người dân, làm mất niềm tin đối với việc quản lý nhà nước trong việc xây dựng, thậm chí cho rằng có thể có nhóm lợi ích bao che.
Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đến vụ "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn kiểm điểm và kỷ luật hàng loạt cán bộ; đồng thời giao Thanh tra thành phố chuyển cơ quan điều tra một số nội dung để xử lý nghiêm.
Đặc biệt, với quyết tâm lập lại kỷ cương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ xử lý sai phạm nghiêm khắc nhất. Những trường hợp đã chuyển cơ quan điều tra sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trên cơ sở kết luận đã công bố công khai, thành phố sẽ họp bàn kỹ lưỡng với Thanh tra Chính phủ, đặt ra lộ trình để phân công rõ trách nhiệm cho từng sở ngành, cho huyện Sóc Sơn, cũng như trách nhiệm các đồng chí trong lãnh đạo UBND thành phố để đôn đốc thực hiện nghiêm túc.
Cũng liên quan đến việc xử lý sai phạm đối với các cán bộ trong vụ việc "xẻ thịt" rừng Sóc Sơn, theo ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở đã và đang thực hiện một số nội dung xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng tại địa bàn Sóc Sơn.
Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở xác định ranh giới, cắm mốc rừng tại khu vực Sóc Sơn và kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Sóc Sơn trong việc làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định đã được nêu tại Kết luận Thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội.
Hiện Sở đang triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, đồng thời tổng hợp, báo cáo với UBND thành phố trước ngày 15/5/2019.
Thực tế cho thấy, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thành phố trong thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, dư luận cũng mong muốn các các cấp, ngành liên quan của thành phố Hà Nội tiếp tục làm rõ, bóc tách sai phạm đúng và trúng, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là trước những ý kiến của hàng chục hộ dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội chưa thực sự thỏa đáng.
Dư luận đang dõi theo và kỳ vọng chính quyền thành phố, cùng các sở, ngành liên quan có phương án tối ưu giải quyết "thấu tình, đạt lý" những sai phạm ở khu vực này, để nhân lên niềm tin của người dân vào luật pháp và bộ máy chính quyền.