Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

© Ảnh : Tư liệuĐại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng huyền thoại về Trường Sơn mãi trường tồn trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của Quân đội ta. Trong đó có một người mà tên của ông sẽ mãi là một phần không thể thiếu của Trường Sơn huyền thoại. Đó là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ., theo tienphong.

Toàn bộ cuộc đời của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của quân đội; người đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, đồng chí đã có công lớn đối với tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên dãy Trường Sơn.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại thôn Trung, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Quảng Trung là một rẻo đất hẹp, nằm ven sông Gianh, tựa lưng vào núi Giăng Màn-một trong những đỉnh núi cao của dãy Trường Sơn hùng vĩ… Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng năm 1938; được kết nạp Đảng năm 1939. Khi được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I, đồng chí lấy tên là Nguyễn Văn Đồng; kháng chiến chống Pháp lấy tên là Đồng Sỹ Nguyên và tên gọi Đồng Sỹ Nguyên được gọi từ đó cho đến nay.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Sputnik Việt Nam
Tướng Đồng Sỹ Nguyên và kế hoạch tiêu diệt “quạ sắt” AC130 trên bầu trời Trường Sơn

Đầu năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Khi được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tình hình cách mạng miền Nam có những chuyển biến quan trọng, đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn và cấp bách cho chiến trường. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí đã đề xuất giải tán các tuyến, thành lập các binh trạm nhằm tăng cường sự chỉ huy trực tiếp của bộ tư lệnh, đồng thời đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới. Nhờ giải pháp đó, đến hết năm 1968, Đoàn 559 đã vận chuyển được 42.910 tấn hàng, gấp 14,7 lần giai đoạn I (1959-1965), bảo đảm hành quân cho 70.456 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường.

Trong giai đoạn 1969-1972, để kịp thời đối phó với âm mưu, thủ đoạn đánh phá điên cuồng của Mỹ, Đoàn 559 đã xây dựng được 5 trục vượt cửa khẩu và 3 hệ thống trục dọc. Đặc biệt, từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972, Đoàn 559 tập trung mở “đường kín” bảo đảm cho xe chạy ban ngày. Đây là một quyết định táo bạo, quyết đoán và sáng tạo độc đáo của Bộ tư lệnh Trường Sơn mà đứng đầu là đồng chí Tư lệnh để chống chiến tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa sự đánh phá của địch; đẩy mạnh vận tải cơ giới, vận tải đường sông.

Giai đoạn này, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thiện 3 phương thức vận tải cơ giới-đường bộ, đường sông và đường ống; trong đó lấy vận tải ô tô là chính, đường ống là quan trọng, vận tải đường sông là hỗ trợ. Từ chủ trương trên, Đoàn 559 đã giao cho các chiến trường khối lượng vật chất gấp 180 lần so với giai đoạn I, phục vụ đắc lực cho toàn chiến trường đánh thắng một bước căn bản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.

Ngoài nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho các chiến trường, Bộ đội Trường Sơn còn tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Chiến dịch Quảng Trị, góp phần quan trọng giành chiến thắng trong các chiến dịch nêu trên.

Giai đoạn 1973-1975, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển binh lực, hỏa lực, vũ khí kỹ thuật, bảo đảm hành quân tăng gấp 318 lần so với giai đoạn 1959-1964 và đưa đến các chiến trường trước 3 tháng. Trong giai đoạn này, Bộ đội Trường Sơn còn tham gia nhiều chiến dịch lớn, như Chiến dịch Tây Nguyên, góp phần hết sức quan trọng giải phóng Tây Nguyên. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Trường Sơn đã huy động hơn 2.000 xe ô tô của 2 sư đoàn làm nhiệm vụ cơ động khẩn cấp 3 quân đoàn (Quân đoàn 1, 2, 3) và 90 đoàn binh khí kỹ thuật vào tham gia các chiến dịch; vận chuyển 61.000 tấn đạn cho chiến dịch, bắc lại hàng trăm cây cầu bảo đảm giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A từ Quảng Trị vào Đồng Nai; tổ chức nhiều điểm cấp phát xăng dầu, bảo đảm cho các phương tiện cơ động tham gia chiến dịch.

Chiến công của Bộ đội Trường Sơn là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn từ đầu năm 1967 đến 30-4-1975, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, hoàn thành xuất sắc 5 nhiệm vụ chiến lược do Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao, có ý nghĩa chiến lược rút ngắn thời gian giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…

Nghĩ về Trường Sơn-nghĩ về một thời sôi động của quá trình hoạt động cách mạng đối với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-dẫu đã nói khá nhiều, viết khá nhiều về con đường huyền thoại này, nhưng những gì đã nói, đã viết vẫn chỉ là nhỏ nhoi, so với tầm thế vĩ đại vốn có của nó. Bởi vậy, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dành cho tuyến đường mang tên Bác và những con người tạo dựng tuyến đường đó những câu sau: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi của dân tộc ta... Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam, Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó là con đường của đoàn kết của dân tộc, của ba nước Đông Dương. Đường Trường Sơn sẽ nhất định kéo dài và mở rộng. Chúng ta nhất quyết đi tiếp con đường đó đến thắng lợi hoàn toàn. Quang vinh thay Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại…” (Trích bút tích của đồng chí Lê Duẩn ghi Sổ vàng truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, Xuân 1973).

Đánh giá và nhận định về xu thế của chiến trường và lường trước những khó khăn trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ nên ngay sau khi ký Hiệp định Paris, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị cho các lực lượng tìm kiếm, cất bốc và quy tập các hài cốt liệt sĩ. Nếu không có sự chủ động như vậy, sau khi giải phóng các lực lượng rút dần thì với hơn 20.000 liệt sĩ hy sinh nằm rải rác trên núi rừng Trường Sơn sẽ gặp biết bao khó khăn và không thể có hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Đây là sự tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng viếng đồng chí Đồng Sỹ Nguyên.  - Sputnik Việt Nam
Tiễn đưa Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Do có thành tích đặc biệt xuất sắc trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, đầu năm 1974, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng; tập thể Bộ đội Trường Sơn và 82 tập thể, 51 cá nhân thuộc Bộ đội Trường Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, đồng chí được bổ nhiệm và giữ các chức vụ: Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ tư lệnh công trình; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đặc phái viên Chính phủ...

Sau khi được nghỉ công tác, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên vẫn thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của đất nước, tham gia nhiều hội nghị, nhiều sự kiện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ và nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đồng chí đã có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho Đảng, Nhà nước trên nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước.

71 năm hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 

Trong những năm qua, kể cả thời gian còn công tác cũng như khi đã nghỉ hưu, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn dành sự quan tâm đặc biệt sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12, đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh; thường xuyên theo dõi sự phát triển và trưởng thành của binh đoàn; luôn quan tâm đến đoàn kết nội bộ, động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn anh hùng…

Các thế hệ Bộ đội Trường Sơn nói chung và cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 nói riêng, mỗi khi nhắc đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đều thể hiện sự kính trọng và yêu mến chân thành. Chính vì thế, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng và người lao động của Binh đoàn 12 vô cùng tiếc thương khi được tin Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên qua đời.

Tên tuổi của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn đi cùng với những kỳ tích như người tổ chức thế trận giao thông liên hoàn, giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn, xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn... Và đúng như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên-một trong những vị tướng tiêu biểu của Quân đội ta... 

Đại tá VŨ PHÚC HẬU, Phó tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала